Đồng bằng Bắc bộ là khu vực đứng đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Tuy nhiên tại hội nghị giao ban lần hai năm học 2008 – 2009 được tổ chức tại Hà Nam ngày 16-3-2009, tình trạng học sinh yếu kém còn cao, đời sống giáo viên còn thấp… vẫn là những trăn trở của ngành sau 3 năm thực hiện “hai không”.
Hàng chục nghìn học sinh yếu kém
So với các vùng khác, tỷ lệ học sinh bỏ học ở khu vực đồng bằng Bắc bộ không cao. Theo đánh giá của khu vực thì học sinh bỏ học ở giáo dục THPT, BTTHPT có chiều hướng cao hơn ở giáo dục THCS. Cấp THCS, địa phương có tỷ lệ bỏ học cao nhất là Vĩnh Phúc 0,36%. Cấp THPT, Bắc Ninh là tỉnh có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất 1,1%. Tổng số học sinh bỏ học của toàn khu vực là 4.000 học sinh, riêng Hải Dương có gần 700, Vĩnh Phúc gần 500 em, trong khi tính trên cả nước, con số này là hơn 86.000 học sinh. Nguyên nhân của tình trạng bỏ học, theo Bộ GD-ĐT là do hoàn cảnh kinh tế của một số học sinh còn quá khó khăn, các em vừa học vừa phải tham gia lao động giúp gia đình nên có ít thời gian cho việc học. Học tập ngày một sút kém khiến các em chán nản và bỏ học. Mặc dù vậy, tỷ lệ học sinh có học lực yếu kém của khu vực cũng rất cao. Toàn khu vực, tỷ lệ học sinh yếu kém ở cấp tiểu học là 3,65%, cấp THCS là 11,03%, THPT là 15,45%. Đứng đầu về học sinh yếu kém ở cả 3 cấp là Ninh Bình với tỷ lệ: tiểu học 5,85%, THCS 17,14%, THPT là 36%. Tính chung, tỷ lệ yếu kém của Ninh Bình bằng 1/3 khu vực. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh yếu kém của khu vực vẫn còn cao. Từ khi thực hiện cuộc vận động “Hai không”, việc kiểm tra, thi cử, đánh giá chặt chẽ hơn. Điều này dẫn đến tỷ lệ học sinh xếp loại học lực yếu kém, tỷ lệ lưu ban cao hơn hẳn các năm học trước. Một bộ phận học sinh thấy khó có thể vượt qua các kỳ thi nên đã thôi học để chuyển sang học nghề hoặc lao động kiếm sống.
Ngành giáo dục phải “chịu đau” một thời gian
Lý giải việc ngành giáo dục của tỉnh giữ vị trí “quán quân” về tỷ lệ học sinh yếu kém trong toàn khu vực, ông Lê Văn Dung, Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình khẳng định ngành đã “nhìn thẳng vào sự thật” để tìm cách khắc phục. Thực hiện cuộc vận động 2 không, ngành giáo dục phải “chịu đau” một thời gian. Với kết quả này, phản ứng của ngành giáo dục Ninh Bình cũng như dư luận xã hội theo ông Dung là hoàn toàn ủng hộ. “Nhưng từ thực trạng này, phải tìm được hướng để đưa ngành giáo dục đi lên chứ không thể biết để đấy” – ông Dung nói. Cũng theo ông Dung, Bộ GD-ĐT cần có một cơ chế đánh giá công bằng giữa các tỉnh. Không thể có chuyện tỉnh “dám làm” còn tỉnh thì không “dám làm”. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết một trong những khâu mà người ta chưa muốn đổi mới là kiểm tra đánh giá. Theo Thứ trưởng Hiển, kiểm tra đánh giá không phải thiên về học thuộc mà học sinh phải được bày tỏ ý kiến của mình một cách đúng đắn.
Một vấn đề khác được lãnh đạo 8 sở GD-ĐT vùng đồng bằng Bắc bộ quan tâm đó là vấn đề lương cho giáo viên và tăng học phí. Ông Đặng Văn Hướng, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Ninh đưa ra thực tế “trình được 1 đề án với UBND tỉnh là rất khó. Trong khi đó, Sở đã phải đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh có chính sách riêng cho ngành giáo dục ngoài chính sách chung. Cụ thể, Sở đề nghị riêng trong giáo dục mầm non phải được đầu tư, giáo viên mầm non được trả lương theo ngạch bậc, trình độ. Hiện lương mầm non của Bắc Ninh trung bình là 1,35 triệu đồng/giáo viên/tháng, tương đương với giáo viên tiểu học. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương Lương Văn Cần cho hay, do học phí bán công hiện nay chưa hợp lý nên có những trường công trong tỉnh phải nợ lương giáo viên. Ông đề nghị nên tăng học phí gấp 1,3 lần mức hiện nay. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận giáo viên hiện nay có khó khăn trong đời sống nói chung và thưởng tết nói riêng. Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đang chờ Bộ Chính trị phê duyệt. Còn về học phí bán công, UBND tỉnh có quyền quyết định và trình HĐND tỉnh thông qua.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)