Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Siết chặt đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa có động thái “siết chặt” đào tạo ĐH bằng cách đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 3 trường ĐH, CĐ: ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và CĐ Công nghệ thông tin TPHCM, cùng 12 ngành học của 4 trường ĐH khác. Lý do đình chỉ vì các trường nói trên không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, về tỉ lệ giảng viên/sinh viên.

 

Đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT có quyết định cứng rắn với mục đích góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, cũng là để bảo vệ quyền lợi về học tập cho sinh viên. Đợt kiểm tra này do Thanh tra Giáo dục (Bộ GD-ĐT) thực hiện chỉ mới ở 24 trường và 4 cơ sở đào tạo mà đã có những thông tin đáng giật mình: 41 ngành đào tạo không có một giảng viên nào có trình độ tiến sĩ, thậm chí có ngành không có nổi một giảng viên cơ hữu! Có trường, có ngành lý giải việc không có giảng viên đạt trình độ tiến sĩ là do khi mới lập trường thì có, sau đó chuyển công tác hoặc lâm ly hơn là do vị tiến sĩ đó mới… đột tử! Đó là những lý do không thể chấp nhận được, phản ánh thực tế giáo dục ĐH quá thiếu giảng viên có trình độ.
 
Thực tế, sau giai đoạn bùng nổ giáo dục ĐH, tỉ lệ sinh viên/số dân ở Việt Nam vẫn chưa thể bằng Thái Lan, nhưng vấn đề là chất lượng chứ không phải số lượng. Theo PGS Lương Ngọc Toản, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, bảo đảm chất lượng đào tạo, số giảng viên cần có cho khối lượng các trường ĐH-CĐ như hiện nay phải là 109.620 người nhưng hiện chỉ có hơn 33.400, có nghĩa là số lượng giảng viên chỉ đáp ứng được 1/3 so với yêu cầu. Một số trường ĐH lớn, số lượng cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ chỉ chiếm 10% – 25%, đa số lớn tuổi, nhiều người không còn khả năng nghiên cứu khoa học, yếu và thiếu ngoại ngữ. Tại cuộc hội thảo về “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH” do Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức trong tháng 11-2011, GS-TSKH Đỗ Trần Cát, Tổng Thư ký Hội đồng Học hàm Nhà nước, đưa ra thông tin đáng báo động: “Hiện nay, một số nước phát triển bắt đầu không công nhận bằng thạc sĩ của Việt Nam, bắt các nghiên cứu sinh Việt Nam phải lấy bằng thạc sĩ của họ mới cho làm nghiên cứu sinh”. Chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng và nếu không “siết chặt” giáo dục ĐH, giáo dục ĐH Việt Nam sẽ đi về đâu?
 
Giáo dục ĐH Việt Nam vẫn bơi trong nhiều vấn đề bất cập. Một nền giáo dục ĐH mà thậm chí có trường tuyển sinh chui, trường nghề cũng liên kết đào tạo tiến sĩ thì chỉ có ở Việt Nam! Hệ thống kiểm định chất lượng tê liệt, các tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH chưa cụ thể, rõ ràng. Hệ quả là không có một trường ĐH nào của Việt Nam có tên trong danh sách xếp hạng của những đơn vị, tổ chức xếp hạng uy tín.
 
Thông tin mới nhất, Bộ GD-ĐT vừa công bố quy hoạch nguồn nhân lực giáo dục 2011-2020, trong đó đến năm 2020 phải có 127.000 giảng viên, trong đó giảng viên có trình độ thạc sĩ là 58.000 người (chiếm 70%), tiến sĩ là 29.000 người (30%). Số lượng đó thực tế chỉ mới đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Và cuộc chạy đua số lượng – chất lượng của các trường ĐH-CĐ Việt Nam vẫn còn tiếp diễn với nhiều trắc trở ở phía trước.
Theo Lưu Nhi Dũ
(NLD)

Bình luận (0)