576.000 là tổng chỉ tiêu tuyển mới năm 2012 hệ chính quy ĐH, CĐ (tăng 6% so với năm trước), trong đó ĐH là 310.000.
Năm 2012, quy định về việc các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên các tiêu chí như số giảng viên, diện tích… đã làm nhiều trường không dám tăng chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành mới, có trường xin giảm. Mặc dù tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến tăng 6% so với năm 2011.
Hết cơ hội
Nhiều năm qua, các trường ĐH đua nhau mở ngành và các chuyên ngành mới như là “chiêu” để thu hút thí sinh và xin thêm chỉ tiêu tuyển sinh. Một số ngành “mới” được các trường ĐH công bố nhằm thu hút sự chú ý và lôi kéo thí sinh vào học nhưng thực chất nhiều ngành đã rất “cũ”. Chẳng hạn chuyên ngành thuế, marketing, tài chính-ngân hàng cả hai hệ ĐH và CĐ vừa tuyển trong năm 2011 của Trường ĐH Tài chính-Marketing đã được Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Ngoại thương… đào tạo từ rất lâu.
Cứ mỗi một ngành hay chuyên ngành “đẻ” ra là các trường có thêm chỉ tiêu. Còn nội dung chương trình như nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá là “không có sự khác biệt lớn”, như kỹ thuật môi trường – quản lý môi trường; quản lý đất đai – công nghệ địa chính, công nghệ sinh học – công nghệ sinh học môi trường… Bởi nhiều ngành và chuyên ngành “mới” và “cũ” cũng na ná nhau, phần lớn theo chuyên ngành hẹp, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc xin việc rất khó. Chính vì vậy, năm 2010 nhiều trường phải ngưng tuyển sinh nhiều ngành như ĐH Đà Nẵng, ĐH Đồng Tháp, ĐH An Giang, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Văn Hiến… Năm 2011 vừa qua, ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Phú Yên, ĐH Đồng Tháp… cũng phải dừng tuyển sinh nhiều ngành.
Bắt đầu từ năm 2012, việc xác định chỉ tiêu đã thay đổi. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường khi đăng ký thông tin tuyển sinh năm 2012 phải ghi tên ngành, mã ngành đào tạo đã được chuyển đổi về danh mục ngành theo quy định. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nói: “Kỳ tuyển sinh 2012, không riêng trường tôi mà hầu hết các trường công lập sẽ không trường nào dám tăng chỉ tiêu quá mức. Nếu có phát sinh thêm ngành mới thì chỉ thêm chỉ tiêu cho ngành, chứ không dám tăng chỉ tiêu chung. Vì tăng là liên quan đến cơ sở vật chất, đội ngũ… trong khi số này không tăng lên”.
Năm 2012, chỉ tiêu dành cho nhóm ngành kinh tế – tài chính – ngân hàng đứng đầu số chỉ tiêu tuyển mới. Trong ảnh: Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tài chính-Marketing năm 2011. Ảnh: QUỐC DŨNG
Nhiều trường sẽ giảm chỉ tiêu
576.000 là tổng chỉ tiêu tuyển mới năm 2012 hệ chính quy ĐH, CĐ (tăng 6% so với năm trước), trong đó ĐH là 310.000. Còn chỉ tiêu tuyển mới hệ trung cấp chuyên nghiệp là 300.000, tương đương năm trước.
Trong tổng chỉ tiêu 576.000, phân theo nhóm ngành bao gồm: kinh tế – tài chính – ngân hàng 184.300 (32%); kỹ thuật công nghệ 172.800 (30%); sư phạm 54.600 (9,5%); khoa học tự nhiên – xã hội nhân văn 51.800 chỉ tiêu (9%); nông lâm ngư 43.200 (7,5%); y dược 40.300 (7%) và nghệ thuật – thể dục thể thao 29.000 (5%).
|
Theo TS Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD&ĐT), căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực trình độ ĐH, CĐ của các địa phương, căn cứ số lượng giảng viên, cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo, Bộ dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 vẫn tăng. Tuy nhiên, chỉ tiêu riêng của từng trường có thể tăng giảm tùy theo các tiêu chí Bộ quy định mà trường có đạt được hay không.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều trường ĐH ngoài công lập dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu. ThS Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, cho biết do cơ sở vật chất còn eo hẹp nên có thể chỉ tiêu năm nay của trường sẽ giảm chút ít. Còn theo ThS Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến, dự kiến chỉ tiêu của trường giảm hoặc tương đương năm 2011.
PGS-TS Hoàng Hữu Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, nói: “So với 900 chỉ tiêu của năm 2011 thì năm 2012 dự kiến sẽ giảm khoảng 200 chỉ tiêu”. Tương tự, Trường ĐH Chu Văn An cũng giảm tổng chỉ tiêu từ 1.400 xuống còn 1.000 chỉ tiêu. Ngay cả trường công lập như Trường ĐH Y Dược TP.HCM, dự kiến giảm chỉ tiêu khoảng 5% trong số 1.610 chỉ tiêu như năm trước để đảm bảo chất lượng.
Đủ lực cũng không tăng nhiều chỉ tiêu
TS Nguyễn Hắc Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết: “Theo kế hoạch, có thể tăng thêm 50 chỉ tiêu so với 2.750 chỉ tiêu như năm 2011. Chúng tôi không tăng nhiều, thậm chí giữ nguyên để nâng chất lượng”. Tương tự, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, chỉ tiêu ĐH là 2.300, tăng 50 so với năm 2011. Còn Trường ĐH Hà Nội, dự kiến chỉ tiêu tăng khoảng 10% hoặc sẽ giữ nguyên 1.800 như năm 2011.
Trong khi đó, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nói: “Trường tôi có thể chỉ tiêu 5.000 như trước, không dám tăng, vì tăng sẽ quá tải. Hiện nay đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn đầu ra đảm bảo, dù đủ lực cũng không dám tăng chỉ tiêu”. TS Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho rằng: “Giảng viên chúng tôi đủ, cơ sở vật chất ổn nhưng phương án tuyển sinh như cũ, vì tăng chút chút cũng không giải quyết được gì”.
|
Theo QUỐC DŨNG
(Phapluattp)
Bình luận (0)