Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012: Vẫn “3 chung” nhưng có cải tiến

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng nay, 29-10, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 1,5 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ và tổng kết năm học 2010 – 2011 khối các trường đại học – cao đẳng tại 7 điểm cầu truyền hình trên toàn quốc.
Báo cáo do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trình bày cho thấy, sau 1,5 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTG của Thủ tướng, giáo dục đại học  đã đạt nhiều kết quả như thực hiện “3 công khai”; nâng cao điều kiện mở ngành đào tạo, phân cấp rõ quản lý Nhà nước đối với Bộ GD-ĐT, các Bộ chủ quản, Sở GD-ĐT, UBND tỉnh. Chất lượng giáo dục đại học đã được nâng lên một bước.
Sinh viên khoa Điện tử viễn thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM trong giờ thực tập. Ảnh: MAI HẢI
Triển khai Nghị quyết số 50 của Quốc hội khóa XII về thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT đã triển khai các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học như đổi mới các qui định về mở ngành, điều chỉnh, bổ sung qui chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, xây dựng tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh, triển khai thực hiện chủ trương mức thi học phí tương đương với chất lượng cao. Bộ GD-ĐT đã tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng theo cam kết trong đề án thành lập các trường.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong năm 2011, đoàn kiểm tra của Bộ đã thực hiện việc kiểm tra tại các trường ĐH Văn Hiến, trường CĐ Công nghệ thông tin, trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, trường ĐH DL Đông Đô. Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy việc thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường chưa đúng với cam kết. Sau nhiều năm hoạt động, số lượng giáo viên cơ hữu của các trường này vẫn còn quá mỏng, cơ sở vật chất, đất đai một số trường còn rất tạm bợ không đảm bảo các tiêu chí tối thiểu.
Báo cáo của Bộ cũng chỉ rõ, trên cơ sở kết quả kiểm tra, căn cứ Nghị quyết 50 của Quốc hội, Bộ GD-ĐT sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những trường không thực hiện đúng cam kết ở các mức như: Thu hồi quyết định mở ngành không còn bảo đảm các điều kiện quy định; giảm chỉ tiêu tuyển sinh kể từ năm 2012; đình chỉ hoạt động đào tạo và trình cấp thẩm quyền xem xét đình chỉ hoạt động và giải thể trường.  Bộ cũng sẽ rà soát kỹ việc đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ để xem xét xác định chỉ tiêu hoặc đình chỉ tuyển sinh đối với các cơ sở đào tạo trình độ thạc sỹ hoặc các chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sỹ nếu không đủ điều kiện tối thiểu theo quy định.
Về tuyển sinh 2012, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, năm 2012 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp “3 chung”, nhưng sẽ có những điều chỉnh, bổ sung một cách hợp lý theo hướng mở rộng khối thi, điều chỉnh phương thức tuyển sinh đối với các ngành năng khiếu, bổ sung chính sách đối với học sinh giỏi quốc gia…
Tuyển sinh đại học năm 2012 vẫn theo phương thức “3 chung”. Trong ảnh: Thí sinh dự thi vào ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM năm 2011. Ảnh: MAI HẢI
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, sẽ tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy, giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp trong các trường đại học – cao đẳng , đồng thời tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo chính quy. Bộ trưởng cũng cho hay, hiện nay Bộ đang giao 2 ĐH Quốc gia (Hà Nội và TPHCM) và các trường ĐH trọng điểm nghiên cứu, đề xuất phương án tuyển sinh để Bộ thảo luận. Nếu phương án nào tối ưu nhất Bộ sẽ sử dụng.
“Tuy nhiên, phương án tuyển sinh phải bảo đảm không để xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan, bảo đảm bảo phương án thi công bằng, có cơ chế để tập thể nhà trường, xã hội, cơ quan chức năng kiểm tra giám sát”, Bộ trưởng nói. Bộ GD-ĐT cũng kêu gọi các trường hiến kế với bộ phương án thay đổi tuyển sinh trong tương lai.
Phát biểu tại hội nghị sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, trong mấy năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, số trường đại học – cao đẳng thành lập mới đã được hạn chế. “Chính phủ chủ trương không chạy theo số lượng mà nâng cao chất lượng. Đó cũng là yêu cầu bức thiết nhất hiện nay đối với  giáo dục đại học ”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đặc biệt cho rằng, hệ tại chức (vừa học vừa làm) vừa qua bị xã hội phản ứng nhiều, trong khi chỉ tiêu rất lớn (chiếm 50% trong số sinh viên hiện nay). Trong khi đó, việc tuyển sinh hệ tại chức hiện nay chủ yếu giao cho các trường tự làm. “Hệ chính quy thì tuyển sinh nghiêm ngặt, cả xã hội vào cuộc. Hệ tại chức thì khoán trắng cho các trường. Nên để hệ này và tuyển sinh chính quy không được chênh lệch nhau nhiều về chất lượng đầu vào vì chúng ta quy định bằng cấp tương đương nhau”, Phó Thủ tướng nói.
Ngoài việc kiểm soát, giám sát các trường ĐH, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý: Chính phủ đã có quy hoạch nguồn nhân lực cấp quốc gia, trong vấn đề tuyển sinh của các trường phải gắn với chỉ tiêu tổng quan đã dự báo của từng ngành nghề trong xã hội. Nếu không, các trường tự chủ, tự chọn chỉ tiêu và vượt quá dự báo thì sinh viên ra trường không có việc làm và mất cân đối về nguồn nhân lực.
Theo Phan Thảo – T.Minh
(SGGPO)

Bình luận (0)