1. Đến hẹn lại lên, những ngày đầu tháng 7 này, kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ lại là một chủ đề nóng bỏng của toàn xã hội. Từ 2/7, tại Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn, hàng vạn sĩ tử cùng người nhà đang đổ dồn về đây, tay xách nách mang.
Thành phố chặt chội, cái nóng xấp xỉ 40 độ như nung dòng người đang ùn ứ dưới những con phố bỗng dưng quá tải.
Hàng vạn sĩ tử lần đầu bỡ ngỡ đặt chân về Thủ đô để chạm vào giấc mơ đại học với tất cả sự lo lắng, bồn chồn, lẫn háo hức, rộn ràng khó tả. Những ngày học tranh thủ như muốn nén lại 12 năm đằng đẵng trên ghế nhà trường. Những bữa ăn vội vã ở quán cơm bụi phố phường chưa từng quen miệng cho những ca học cấp tốc. Những tập đề thi dày lên từng ngày trong nỗi lo thất bại. Những căng thẳng khi bắt gặp ánh mắt đầy vẻ hi vọng của mẹ cha đồng hành cùng ngày lai kinh. Sự âu lo, nhiều khi là sợ hãi cứ tăng dần theo thời gian đến giờ thi.
Sĩ tử tay xách nách mang đứng hàng giờ đợi xe buýt – Nguồn: Internet
Và bên cạnh các em là sự nhốn nháo nơi phố chật người đông. Các chủ nhà trọ lộ nguyên hình con buôn được dịp tha hồ chặt chém. Những dịch vụ giời ơi quây lấy những sĩ tử và dân quê chân ướt chân ráo về thành thị. Một cốc trà loãng có giá 5 nghìn đồng hay một bát phở lều phều vài miếng thịt mỏng dính 30 nghìn đồng, một manh chiếu nằm trong nhà trọ gần trường trong 2 giờ nghỉ trưa đợi ca thi chiều giá trăm nghìn đồng…
Trường thi bắt đầu, những khuôn mặt sĩ tử đầy căng thẳng. Những ánh nhìn đầy lo lắng của phụ huynh dõi theo con qua cánh cổng trường khép chặt. Và dù Hà Nội có biến thành chảo lửa thì các bậc phụ huynh vẫn kiên định bám lề đường đợi con. Sau mỗi môn thi là những đoạn hỏi dồn: “Có làm được bài không con?” Rồi những tiếng thở phào nhẹ nhõm hay ánh mắt thất vọng não nề… Điệp khúc ấy, năm nào cũng thế.
Năm nay, theo số liệu của Bộ GD&ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ sẽ khoảng 548.000 sinh viên, tuy đã tăng thêm gần 33.500 so với năm 2010 nhưng so với số hồ sơ dự thi lên tới gần 2 triệu, thì không nói ai cũng biết, sau khi trải qua bao nhiêu sự căng thẳng, sẽ có cả triệu sĩ tử phải gác bỏ giấc mơ đại học.
2. “Học là học có nghề có nghiệp”, đó là một câu trong “Bài ca cổ động thực học” của trường Đông Kinh nghĩa thục từ trăm năm trước. Dưới thời phong kiến, sĩ tử chỉ có con đường tiến thân duy nhất là nhờ khoa cử, theo con đường tầm chương trích cú nhằm đoạt bảng vàng làm bước thang mây thăng tiến trên hoạn lộ. Để hiển vinh, phải làm quan chứ không làm thợ.
Nhưng Đông Kinh nghĩa thục đã có một bước đột phá, dù phong trào này tồn tại quá ngắn ngủi chưa đầy năm, nhưng nó cho thấy, cách đây hơn trăm năm, các bậc sĩ phu đã nhìn ra một con đường giáo dục tiên tiến, hợp xu hướng thời đại mới. Và họ đã thực thi phương châm đó ở nhiều địa phương ngay cả khi ngôi trường ở phố Hàng Đào bị đóng cửa.
Kỳ thi tuyển sinh hàng năm, không chỉ được ngành giáo dục dốc toàn lực, mà sức ép của nó cuốn theo cả xã hội. Sức ép ấy không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần, những căng thẳng mà cả thí sinh, phụ huynh và cả xã hội phải đương đầu. Trong khi đó, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn cứ triền miên, mỗi năm, các trường nghề lại phải đôn đáo ngược xuôi với rất nhiều “chiêu mời mọc” cũng không tuyển nổi đủ chỉ tiêu. Có lẽ, cần phải nhìn lại tinh thần Đông Kinh nghĩa thục từ cả trăm năm trước.
Theo Nguyễn Gia
(TT&VH)
Bình luận (0)