Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng xác định điểm sàn đại học, cao đẳng năm 2011 Bùi Văn Ga cho rằng với mức điểm sàn không thay đổi so với năm trước, các trường vẫn không phải lo lắng về nguồn tuyển. Sự dịch chuyển thí sinh với thay đổi lớn là được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2, 3 sẽ giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển.
Hỏi:Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể mức điểm sàn tuyển sinh năm 2011?
Trả lời: Sáng nay Hội đồng xác định điểm sàn xét tuyển đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2011 đã họp và quyêt định điểm sàn. Trên cơ sở phân tích kết quả thi của thí sinh và chỉ tiêu tuyển sinh, chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các vùng miền, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định điểm sàn của hệ đại học các khối A, D là 13, các khối B, C là 14. Điểm sàn hệ cao đẳng thấp hơn hệ đại học 3 điểm.
Hỏi:Thưa Thứ trưởng, nhiều người cho rằng kết quả điểm thi khối C năm nay thấp? Điều này có ảnh hưởng gì đến việc quyết định điểm sàn của khối này không?
Trả lời: Thực ra, tổng hợp chung của điểm thi của khối C có những môn điểm cao như Ngữ văn và Địa lý. Chính vì điểm thi nói chung của khối C trung bình khá cao nên điểm sàn khối này không thay đổi so với năm ngoái.
Hỏi: Với mức điểm sàn như vài năm trước, các trường ngoài công lập đều gặp khó khăn trong tuyển sinh. Vậy thưa Thứ trưởng, giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Trả lời: Khi xác định điểm sàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp tất cả các thông tin liên quan tới kết quả tuyển sinh, kết quả thi của thí sinh từng tỉnh, các vùng miền. Với kết quả này, Bộ tính toán sự dư dôi rất là lớn giữa số lượng thí sinh thiếu và thừa. Thí dụ khối A số dư trên số thiếu là 1,6, khối B dư cao, số dư trên số thiếu lên 21 lần, năm ngoái có 8 lần. Khối C và D mức dư tương đương năm ngoái.
Về sự dịch chuyển của thí sinh giữa các vùng miền. Bộ đã thống kê nếu các thí sinh của vùng miền đó không trúng tuyển ở thành phố lớn, quay về các vùng miền thì số thí sinh này lớn hơn số chỉ tiêu vùng đó, lấp đầy chỉ tiêu các trường. Với các vùng như Tây Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, nếu thí sinh của vùng này đi dự thi ở các tỉnh, thành khác mà không đỗ nguyện vọng 1, quay về nộp nguyện vọng 2, 3 ở các trường trong khu vực thì số lượng thí sinh vẫn rất lớn. Chẳng hạn, những thí sinh đồng bằng sông Cửu Long thi nguyện vọng 1 ở thành phố Hồ Chí Minh không đỗ, quay về sẽ gấp đôi số chỉ tiêu các trường ở khu vực này. Đối với phía bắc, nếu thí sinh thi khối B quay về thì gấp 10 lần. Hoặc ở các tỉnh miền trung và Tây Nguyên, thí sinh khối A gấp 20 lần số lượng trúng tuyển.
Như vậy chúng ta không cần chuyển thí sinh ở Hà Nội lên Tây Bắc, TP Hồ Chí Minh về đồng bằng sông Cửu Long. Những thí sinh ở các tỉnh này, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 và quay về thì số lượng rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh năm nay Bộ cho phép rút hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Vì vậy tôi cho rằng, các trường không nên lo lắng về nguồn tuyển.
Năm ngoái về mặt kỹ thuật chúng ta không cho rút nguyện vọng 2 và 3, chỉ nộp xét một lần. Năm nay cho phép thay đổi, thí sinh theo dõi thông tin và được rút hồ sơ, sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Ngay cả việc dư chỉ tiêu, thí sinh không nộp vào do trường chưa có uy tín, chưa có sức hút với xã hội nên họ không nộp vào còn chỉ tiêu chắc chắn còn dư thừa.
Hỏi:Xin Thứ trưởng cho biết, việc vận dụng điều 33 của Quy chế tuyển sinh, tối đa giãn được bao nhiêu điểm?
Trả lời: Vận dụng điều 33 thì trong quy chế có nói những vùng, ngành khó tuyển được phép vận dụng. Khi vận dụng khoảng cách giữa các khu vực lên 1 điểm thay vì nửa điểm. Như vậy khoảng cách từ khu vực 1 đến 3 là 3 điểm. Thí dụ với khối A, sàn là 13 nhưng với từng khu vực có thể là 10 điểm
– Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo NGỌC MAI
(NDĐT)

Bình luận (0)