Nguyễn Công Huy mồ côi cha từ năm lên 12 tuổi. Vào năng khiếu Thanh Hóa nhưng bị đội bóng quê hương lắc đầu, Huy ra Hà Nội từ đồng tiền gom góm bắt đầu từ gánh rau muống của mẹ. Hiện giờ, cái tên Công Huy đã có trong danh sách vàng U-22 Việt Nam đăng quang giải Merdeka Cup. Tất cả đã diễn ra như một câu chuyện cổ tích đối với chàng tiền vệ nghèo này.
Mồ côi cha từ nhỏ
Có một câu chuyện vui vui mà những cậu học trò học cùng lớp với Công Huy ngày phổ thông hay kể cho nhau nghe rằng Huy “kiếm” chỉ thích lo việc xã hội hơn lo cho bản thân. Cả lớp đang làm bài kiểm tra cuối năm, thay vì lên bàn giáo viên nộp bài kiểm ra, Huy gửi thẳng cho cô giáo chủ nhiệm lá đơn xin được thi lần sau để ra sân đi… khiêng cáng cho các anh lớn trên đội 1 đang thi đấu.
Với Huy, tình yêu bóng đá vẫn là nhất dù sau đó ai cũng biết điều đó có thể ảnh hưởng rất lớn tới việc học hành. Thế nên, các thầy cô trong ngôi trường cấp 3 Nguyễn Trãi nhiều khi cũng phải gật đầu “xé rào” cho cu cậu thoả niềm đam mê, dù lần đó Huy ra sân cũng chỉ làm nhiệm vụ trợ giúp cho nhân viên y tế. Sau này, khi nghĩ lại, Công Huy bảo lúc đó chỉ nghĩ việc được ra sân xem các anh thi đấu cũng đã sướng lắm rồi nhiều. Không được xem, tối về ngủ không nổi.
Sinh ra ở Thanh Hoá nhưng thăng hoa lại trong màu áo Thể Công, thế nên mỗi lần có dịp về thăm nhà, đứng trên thảm cỏ sân Thanh Hoá, người ta vẫn thấy ánh mắt Công Huy buồn rười rượi. Không buồn làm sao được khi nơi đây, đánh dấu sải chân đầu tiên của Huy cùng trái bóng. Ngày đó Công Huy được kỳ vọng rất nhiều kế tục cái áo thủ lĩnh, “Vua trung tuyến” do đàn anh Lê Hồng Minh để lại. Nhưng ở Thanh Hoá có những “quy tắc riêng” khiến cho nhân tài cứ rơi rụng dần.
Năm 12 tuổi, Công Huy phải nhận một mất mát quá lớn khi bố đột ngột ra đi sau một ca tai nạn. Sau khi mất bố, Công Huy được sống nhờ vào khả năng chạy chợ của mẹ. Thế nhưng, đến năm 17 tuổi thì Huy mất luôn cơ hội chơi bóng ở đội trẻ Thanh Hoá.
Chân trong đội bóng mất nhưng tình yêu với trái bóng tròn không mất. Chỉ ít tháng sau Huy “kiếm” được mẹ bắt tàu chợ lên Hà Nội rồi xin vào tập ngang ở đội trẻ Thể Công. Một ngày cuối năm 2004, trời lạnh như cắt, Công Huy nhảy cẫng ôm chầm lấy me, rớt nước mắt vì hay tin trúng tuyển. Từ ấy, cuộc đời Huy “kiếm” như rẽ ngang sang một hướng khác.
Đường rộng tuổi 21
Khoác áo Thể Công, đường “công danh” của Huy tiếp tục phát triển. Góp mặt vào thành phần các cầu thủ trẻ Thể Công lên đường sang Bulgaria tập huấn 1 năm trời, Huy lớn lên trông thấy không những ở mặt thể hình (cao 1m76) mà cả tư duy chiến thuật lẫn kỹ năng chơi bóng. Khi nhìn lại bản thân sau 1 năm được đi “du học”, Huy cũng thừa nhận đó là khoảng thời gian quý báu giúp hoàn thiện tố chất của một tiền vệ trụ đích thực. Ngay sau ngày trở về nước, Huy có ngay suất đá chính.
Dáng người mảnh khảnh nhưng bù lại khả năng tranh chấp, càn quét và nền tảng thể lực tốt, hiện nay vai trò của Công Huy trong màu áo Thể Công dường như là bất khả xâm phạm. Được góp mặt trong thành phần U.22 Việt Nam là một bước ngoặc lớn của Công Huy. Ngày rời xứ Thanh đi Hà Nội, Huy chỉ dám nghĩ được tiếp tục đá bóng đã là vui rồi huống chi là lên tận Tuyển.
Chứng kiến màn trình diễn ấn tượng của Công Huy tại Merdeka Cup vừa rồi trong vai trò tiền vệ trụ, rất nhiều nhà chuyên môn đã chấm Công Huy, nhất là trong thời điểm bài toán “đòn gánh” của ĐTQG vẫn còn nan giải. Tài Em, Minh Phương và kể cả Trường Giang chắc chắn vẫn thể làm an lòng thầy “Tô”. Chính vì thế mà hôm qua, khi trả lời báo giới ông Mai Đức Chung đã khẳng định Công Huy là một cái tên xứng đáng lên Tuyển. Một khi điều ấy thành hiện thực, có lẽ người mẹ goá bán rau ngày nào đón tàu cho Huy lên Hà Nội đi tiếp con đường bóng banh hẳn sẽ vui khôn xiết.
ANH LÊ (theo thethao)
Bình luận (0)