Các nhà khoa học Mỹ vừa thông báo đã chế tạo thành công "chiếc máy bay kiểu con sứa" đầu tiên trên thế giới.
Với kích thước nhỏ gọn và trọng lượng chỉ 2,1 gram, vật thể này có thể bay và di chuyển với cách thức chuyển động giống như sứa bơi trong nước. Phát minh này được đăng trên Tạp chí khoa học Royal Society Interface của Anh ngày 14/1.
Leif Ristroph, một trong hai nhà khoa học đồng chủ trì nghiên cứu cùng với chuyên gia Stephen Childress thuộc Phòng thí nghiệm toán học ứng dụng của Đại học New York, cho biết ban đầu họ quan tâm tới việc chế tạo ra một "con côn trùng robot" có thể thay thế cho máy bay trực thăng, nhưng kết quả lại khá bất thường khi loài vật được chọn là sứa.
Mô hình thiết bị bay kiểu con sứa. (Nguồn: dpa)
Các kỹ sư đã chú ý đến sứa từ rất lâu bởi loài động vật này có những chuyển động đơn giản nhưng hiệu quả. Trải qua hàng triệu năm tiến hóa, sứa chỉ cần một cơ bắp đơn giản và một hệ thần kinh sơ khai. Thân hình của sứa giống như một "bộ áo" trong suốt dạng vòm, có thể cuộn lên sau đó đóng lại, đẩy nước ra qua những lỗ nhỏ và giúp nó di chuyển.
Trong nghiên cứu này, thiết bị bay trên đã sử dụng 4 cánh quạt hình cánh hoa, mỗi cánh dài 8cm, khi xếp lại với nhau tạo thành một hình nón ngược. Một động cơ tí hon, được gắn với một tay quay, sẽ làm cho các cánh này chuyển động lên xuống tới 20 lần trong 1 giây và đẩy không khí qua phía dưới của "nón."
Với thiết kế như trên, các nhà khoa học đã chế tạo ra một "máy bay cánh chim," có thể bay với độ ổn định cao, không cần phải hiệu chỉnh thường xuyên hay tốn kém năng lượng. Nó cũng có thể đổi hướng bay bằng cách cho một trong bốn cánh hoạt động nhiều hơn những cánh còn lại.
Vật liệu chế tạo cũng khá dễ kiếm, gồm các lá mỏng làm từ sợi cácbon nhẹ để chứa động cơ và tạo khung cho các cánh quạt. Các cánh quạt được bao phủ bởi lớp phim Mylar trong suốt.
Ristoph cho biết ông và đồng nghiệp Childress đã lấy cảm hứng từ các cảnh phim của những người tiên phong trong ngành hàng không đầu thế kỷ 20, những người đã cố gắng tạo ra một "máy bay cánh chim" bắt chước kiểu bay của các loại côn trùng, nhưng thiếu kiến thức hoặc vật liệu để làm vào thời điểm đó.
Đại học New York đang chuẩn bị xin cấp bằng sáng chế cho phát minh này. Bước tiếp theo của các nhà khoa học là chế tạo thêm pin và điều khiển từ xa.
Ristoph hy vọng chiếc máy có thể được sử dụng phục vụ các mục đích quân sự như bay do thám, hoặc cho các mục đích dân dụng như đo ô nhiễm không khí. Ông dự định đặt tên cho thiết bị là AeroJelly./.
(TTXVN)
Bình luận (0)