Tòa soạnThư đi – tin lại

“Loạn” số nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Từ số 388 Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp) “nhảy” sang số 80/872 khiến người đi tìm toát mồ hôi hột

“Hoa mắt chóng mặt” – đó là câu trả lời mà ông Nguyễn Văn Tài sống ở khu vực đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp – TP.HCM) hàng chục năm nay đã phải thốt lên khi nghe tôi hỏi đường đến số nhà 9/168. Vốn làm nghề chạy xe ôm nhưng nhiều phen chính ông cũng phải chào thua trước cảnh số nhà bát nháo “lộn tùng phèo” này.
Không riêng gì Q.Gò Vấp, đó cũng là tình cảnh chung ở những con đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình), Trần Quang Khải (Q.1), Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Trãi (Q.1)… khiến người tìm đường phải dở khóc dở cười.
Hẻm ở mặt tiền?
Khi nhìn vào địa chỉ 9/168 đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp của Trường THPT Nguyễn Trung Trực, tôi đinh ninh chắc chắn sẽ phải nằm trong hẻm. Rà xe tới lui tìm con hẻm số 9, rồi hỏi thăm đường chỉ nhận được những cái lắc đầu. Cuối cùng, một bác xe ôm cho biết: “Trường này nằm ngay mặt tiền thôi, phía bên tay phải, không có chui vô hẻm nào đâu, cứ chạy thẳng là tới…”.
Quả đúng là như vậy, địa chỉ là đường hẻm mà lại nằm chình ình ở mặt tiền. Một giáo viên trong trường giải thích là do thời gian trước, Q.Gò Vấp có tiến hành đổi số nhà mà nhà trường lại vẫn giữ số cũ. “Khu vực này, nhà nào cũng vậy. Bản thân tôi là người ở đây mà nhiều lúc cũng phải mò mẫm mãi mới tìm ra được đường, kiểu như số 599 đặt cạnh số 24/492” – cô cho hay.
Vẫn Q.Gò Vấp, tại đường Phan Văn Trị, chạy xe trên con đường này mà tìm nhà cũng phải toát mồ hôi hột. Từ số nhà 25 nhảy sang số nhà 777, thật là những con đường “đau khổ” với ai đó khi phải tìm địa chỉ nhà.
Sẽ thật là thiếu sót khi không nhắc đến con đường Trần Quang Khải (Q.1). Nếu cứ theo số nhà ghi trên biển mà tìm đến hẻm 68 đảm bảo sẽ phải leo lên cầu rồi… quay về. Bởi lẽ hẻm 68 nằm giữa một con đường lớn, chia ra làm hai bên. Rồi từ đó, vào những ngách nhỏ hơn, số nhà sẽ ngẫu hứng nhảy “tưng tưng” lên, số nhà 79A được đặt cạnh 280A. Cuối cùng tôi đành tìm đến… công an khu phố để cầu cứu. Đường Hoàng Sa, những ngôi nhà mặt tiền lại khoác “biển số” hẻm, đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình) hay Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) thì vô số trường hợp tương tự.
Bao giờ số nhà được đồng nhất?
Ông Trần Trọng Nghĩa – Phó chủ tịch UBND phường Tân Định, Q.1 bảo rằng thực ra nếu người dân làm đơn xin cấp lại số nhà thì phường sẽ tiến hành cấp lại ngay. Nhưng hiện chưa có trường hợp nào có nhu cầu. Vì việc đánh lại số nhà không hề đơn giản, nó kéo theo rất nhiều hệ lụy như hộ khẩu, giấy khai sinh, CMND, đăng ký giấy tờ… Hẻm 68 Trần Quang Khải trước kia là khu dân cư, sau đó làm con đường có cầu Hoàng Hoa Thám bắc ngang qua nên khu dân cư bị tách làm đôi. Vì vậy, số nhà trở nên không đồng nhất và hẻm lại nằm ở mặt tiền. Ông Nghĩa cũng cho biết, hiện phường đang làm đơn để đổi lại tên cho con hẻm vì xây đường lớn mà vẫn mang tên là hẻm 68. Ngay như đường Hoàng Sa, nhà mặt tiền nhưng mang số trong hẻm do giải tỏa xây kênh Nhiêu Lộc. Sắp tới khi phường bắt tay vào dự án xây lại khu dân cư 456, tình trạng có lẽ sẽ ổn hơn!
Ở Q.Gò Vấp, mỗi nhà có tới ba bốn số: Số cũ, số mới, số mới hơn, số mới mới hơn nữa… Nhưng theo ông Trần Văn Tịnh – Chánh văn phòng UBND Q.Gò Vấp thì phần lớn người dân vẫn sử dụng số nhà cũ để ghi trong giấy tờ, trình báo, đăng ký… Mới đây nhất, quận có triển khai làm lại số nhà mới, tuy nhiên, do thói quen của người dân và nhiều loại giấy tờ, liên hệ vẫn dùng số cũ nên số nhà cũ vẫn tồn tại.
Tình trạng “loạn” số nhà ở Q.Gò Vấp diễn ra đã rất nhiều năm. Có nhiều lý do nhưng một thực tế là việc chỉnh sửa, đánh lại tổng thể số nhà của cả một quận là điều vô cùng tốn kém. Ông Ngô Văn Quảng (75 tuổi, Q.Gò Vấp) thở dài: “Lẽ nào cái khó bó cái khôn. Cứ để vầy, thiệt tình, dân chúng tôi lãnh đủ…”.
Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)