Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Internet di động 3G: chọn mạng nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân viên MobiFone đang hướng dẫn khách hàng tìm hiểu dịch vụ Internet di động – Ảnh: Nguyên Thư

Với những ưu thế vùng phủ sóng và tốc độ đường truyền, Internet di động (kết nối Internet di động băng thông rộng) bằng sóng 3G đang là “đối trọng” với các phương thức nối mạng truyền thống.

S-Fone, MobiFone và Vinaphone đã cung cấp dịch vụ, còn Viettel đang “ém” mình. Cạnh tranh khốc liệt nhưng mỗi nhà mạng vẫn có ưu điểm riêng.

Nhiều lựa chọn…

S-Fone đã đi tiên phong trong việc công bố dịch vụ Internet di động đầu tiên tại VN khi mở rộng công nghệ CDMA 2000-1x lên EVDO cách đây hơn hai năm. Công nghệ này được xem là “3G” của CDMA. Trên môi trường EVDO, tốc độ kết nối Internet về lý thuyết có thể đạt tới 2,1Mbps. Hơn một năm trước, MobiFone cũng công bố gói dịch vụ kết nối Internet là Fast Connect. Dịch vụ này chạy trên mạng EDGE (2.75G) với tốc độ có thể lên tới 2,1Mbps. Lý thuyết là vậy.

Hơn hai tháng trước, Vinaphone là nhà cung cấp dịch vụ di động đầu tiên triển khai mạng 3G, hai dịch vụ Mobile Broadband và Mobile Internet được nhà mạng này quan tâm nhất. Cùng là kết nối Internet nhưng theo Vinaphone, tiện ích này được chia thành hai dịch vụ khác nhau. Mobile Internet là dịch vụ kết nối Internet bằng chính điện thoại di động hoặc dùng điện thoại làm modem để kết nối với máy tính. Còn Mobile Broadband là dịch vụ truy cập Internet bằng máy tính thông qua thiết bị riêng (như USB Data Card, 3G WIFI…) có gắn SIM Vinaphone. Mobile Broadband có hai tốc độ kết nối: 3,6Mbps và 7,2Mbps.

Gần đây nhất, ngày 15-12 MobiFone công bố cung cấp dịch vụ trên nền 3G. Cũng như các nhà mạng khác, MobiFone không thể bỏ qua gói dịch vụ kết nối Internet có tên Fast Connect, gồm hai chế độ để người sử dụng lựa chọn: 3,6Mbps và 7,2Mbps. Viettel cũng đã hoàn tất thử nghiệm, chờ công bố mạng 3G để giới thiệu Mobile Internet.

Nhưng chọn ai?

So với ADSL, các gói cước truy cập Internet trên sóng di động bằng thiết bị rời có tốc độ nhanh và ổn định hơn vì hiện chưa có nhiều người sử dụng. Bên cạnh đó, giá cước người tiêu dùng phải trả còn khá cao nên chỉ phù hợp với những ai thường xuyên di chuyển.

Và một khía cạnh khác làm người dùng bận tâm là chất lượng. Dù là nhà mạng di động tiên phong trong Internet di động nhưng S-Fone hiện có điểm yếu, đó là số địa phương có sóng EVDO còn quá ít, chưa quá mười tỉnh thành. Còn nếu chuyển vùng sang các địa phương có công nghệ 2000-1x thì tốc độ quá thấp, chỉ khoảng 50kbps (bằng dial up). Giá cước dịch vụ này là 150.000 đồng/tháng với dung lượng 3GB.

Qua thực tế nhiều khách hàng kết nối Internet bằng thiết bị rời của Vinaphone, tốc độ dù chưa đạt được đúng với nhà mạng đã cam kết nhưng với tốc độ tải về dao động từ 1,1-1,7Mbps và tải lên có tốc độ 0,2-0,7Mbps, được đánh giá là quá nhanh so với ADSL. Nhưng cũng có thời điểm và tại một số khu vực tốc độ thấp hơn vì số người sử dụng các dịch vụ khác đã làm suy giảm tốc độ truy cập.

Cước truy cập của Vinaphone có hai mức: 150.000 đồng cho tốc độ 3,6Mbps và 300.000 đồng cho tốc độ 7,2Mbps. Theo đại diện của Vinaphone, đã có khoảng 600.000 thuê bao đăng ký sử dụng dịch vụ 3G nhưng không cho biết cụ thể số thuê bao đăng ký dịch vụ Mobile Internet.

Dịch vụ Fast Connect của MobiFone hiện có hai gói: 150.000 đồng cho tốc độ 3,6Mbps và 300.000 đồng cho tốc độ 7,2Mbps thông qua thiết bị gắn ngoài qua cổng USB (trị giá 1,2 triệu đồng). Vì mới triển khai nên chưa kiểm chứng tốc độ kết nối thực tế, nhưng qua thử nghiệm tại TP.HCM cho thấy tốc độ truy cập nhanh, có thể đạt đến tốc độ cam kết.

Ông Đinh Việt Hưng, trưởng phòng giá cước tiếp thị của MobiFone, cho biết khi đăng ký Fast Connect vào thời điểm này sẽ được miễn phí cước của gói tốc độ 7,2Mbps trong vòng sáu tháng tính đến hết ngày 30-6-2010. Ông Hưng cho biết thêm hiện MobiFone đã lắp đặt 2.500 trạm phát sóng 3G tại 63 tỉnh thành (chỉ có một vài huyện đông dân, còn lại là khu vực thị xã, TP). Đây cũng là thế mạnh của nhà cung cấp dịch vụ này.

“Sân chơi” Internet di động đã có thêm nhiều lựa chọn. Khi chọn nhà cung cấp nên chú ý vùng phủ sóng và tùy theo nhu cầu để chọn gói cước phù hợp. Với nhu cầu đọc báo mạng, kiểm tra mail, gửi mail… nên chọn gói tốc độ 3,6Mbps là đủ.

Theo Nguyên Thư / Tuổi Trẻ

Bình luận (0)