Tòa soạnThư đi – tin lại

Công nhân trong cơn “bão giá” đầu năm

Tạp Chí Giáo Dục

Công nhân mua rau tại “chợ cóc” gần Khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức)

Trở lại thành phố làm việc sau những ngày về quê ăn Tết, nhiều công nhân đang phải đối mặt với thực tại nhiều khó khăn từ tiền nhà, tiền ăn, chi phí sinh hoạt… cái gì cũng có xu hướng lên giá!
Đi chợ công nhân
Mồng 9 Tết, hầu hết các doanh nghiệp, cơ quan đã mở cửa. Công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng bắt đầu trở lại làm việc. Theo chân những người công nhân đi chợ về, chúng tôi đến khu nhà trọ nằm gần Khu công nghiệp Sóng Thần (Dĩ An – Bình Dương). Bữa cơm của chị Nguyễn Bích Thùy, công nhân của Công ty TNHH Tân Thành chỉ vỏn vẹn 5 miếng đậu hũ, một bó rau muống và vài miếng thịt ba chỉ đã ngả màu nâu xỉn. Chị Thùy phân trần: “5 miếng đậu 8.500 đồng, 2 lạng thịt ba chỉ 16.000 đồng, cộng thêm bó rau muống 4.000 đồng nữa. Đây là bữa ăn của 4 người đấy. Sau Tết, cái gì cũng tăng đến chóng mặt, nên chúng tôi không dám ăn nhiều”.
Với đồng lương eo hẹp nhưng giá cả tăng như thế nên công nhân thường chọn cách mua thức ăn buổi chiều cho rẻ. Rời khu phòng trọ của chị Thùy, chúng tôi đến con hẻm đối diện mà giới công nhân vẫn thường gọi là “xóm nước đen”. Ở đây chúng tôi gặp anh Dương – chị Hà, cặp vợ chồng mới cưới cũng thuê trọ trong xóm này. Vừa tan ca, hai vợ chồng tranh thủ ghé chợ mua thức ăn buổi chiều và để dành cho cả ngày mai. Món ăn chính của vợ chồng anh chị cũng là rau muống chấm nước tương. Cầm mấy con cá khô và ba miếng đậu hủ trên tay, chị Hà nói bằng giọng nhỏ nhẹ: “Đây là phần thức ăn “tươi” cho cả hai ngày. Muốn ăn thịt cũng chỉ dám mua buổi chiều cho rẻ dù không còn tươi ngon. Nhưng cũng phải ăn “dè”, công việc thì vất vả mà bữa ăn lại chẳng có tí dinh dưỡng gì”.
Dạo quanh nhiều phòng trọ nằm san sát ở “xóm nước đen”, chúng tôi thấy phòng nào cũng chỉ đơn sơ một chiếc giường hoặc một tấm phản kê tạm gọi là giường, một vài dụng cụ sinh hoạt cần thiết. Cái “chợ cóc” nằm lúp xúp trên con đường rẽ vào Khu công nghiệp Biên Hòa là nơi cung cấp thực phẩm chính cho hàng ngàn công nhân đang làm việc ở nơi đây cũng đang ở trong thời kỳ ảm đạm nhất. Rau là mặt hàng trước đây bán chạy nhất vì giá rẻ, nay một loại rau thông thường nhất cũng tăng gấp ba như: Rau cải cúc cũng tăng từ 800 đồng/mớ lên 2.500 đồng/mớ, su hào cũng từ 3.000 đến 5.000 đồng/củ, xà lách: 16.000 đồng/kg… nên công nhân không mua xông xênh như trước. Nhiều người buôn bán tại chợ đang dự định nếu tình trạng giá cả tiếp tục tăng, hàng ế ẩm họ sẽ phải bỏ chợ công nhân.
Nhà trọ tăng giá
Hoài An, làm công nhân ở An Phú, tỉnh Bình Dương than: “Tiền nhà hồi trước có 650.000 đồng/tháng. Bà chủ đọc báo, xem ti vi, đi chợ thấy cái gì cũng tăng, thế là về nhà đòi tăng giá thuê nhà lên thêm 100.000 đồng/tháng. Quanh khu nhà trọ Hoài An ở, nhiều công nhân còn ngỡ ngàng hơn khi về quê ăn Tết vào, các chủ nhà trọ đồng loạt tăng giá mà không hề báo trước, giá tăng dao động từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/phòng khiến không ít công nhân lao đao. Đắt vậy, nhưng họ cũng vẫn phải chấp nhận mà không thể đi thuê ở chỗ khác vì cũng rất hiếm phòng giá rẻ. Không chỉ riêng Bình Dương, mà nhiều khu nhà trọ tại quận 9 cũng tăng giá lên 100.000 – 200.000 ngàn/phòng. Chị Nguyễn Thị Thúy – ở khu nhà trọ đường Dương Đình Hội (Q.9 – TP.HCM) than: “Năm nào cũng vậy, hễ Tết xong là chủ trọ lại tăng giá lên, vậy là giờ riêng tiền phòng cũng mất 1 triệu đồng, cộng thêm các khoản chi phí khác, lương còn lại chẳng bao nhiêu”. Chị Nguyễn Thị Tuyết, công nhân cùng phòng trọ với Hoài An cho biết: “Mấy bữa nay công ty tụi em hụt hàng nên không được tăng ca. Lương thì vẫn 1,5 triệu đồng/tháng, giờ phải gánh thêm việc giá tiền phòng trọ tăng, thật không chịu nổi”.
Trong cơn “bão giá”, nghe được mánh tiết kiệm tiền nước của một công nhân mà thấy nao lòng: Để đồng hồ nước không chạy, trước khi đi làm họ vặn nước thật nhỏ vào một cái thau lớn. Nước chảy nhỏ giọt thì đồng hồ sẽ không chạy. Đến tối đi làm về, cũng được một thau nước mà không bị tính tiền. Phải tiết kiệm, đó là kinh nghiệm từ một số công nhân có mức sống tạm mà chúng tôi ghi nhận được. Bích Hường, công nhân Công ty TNHH Pung Kook SG cho biết: “Công ty tụi em nhiều việc, tăng ca nhiều nên tụi em phải cố gắng làm thêm, vừa có tiền tăng ca, vừa được công ty cho ăn ngày hai bữa, tối về chỉ việc ngủ. Tuy vất vả nhưng đủ tiền để có thể xoay xở được trong cơn “bão giá” đầu năm…”.
Bài, ảnh: Thái Khuê

Bình luận (0)