Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Bát nháo nhạc chờ: Sẽ kiểm tra, xử lý

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Xoay quanh tình trạng bát nháo nhạc chờ trên điện thoại di động (Tuổi Trẻ ngày 29-8-2009) khiến dư luận bức xúc, chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của các bên liên quan.

* Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn (giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác phẩm âm nhạc VN, chi nhánh phía Nam): Kinh doanh nhạc chế gây phản cảm là phạm pháp

Tôi xin không nói về các kiểu nhạc chờ dạng thoại (những câu nói) vì nó nằm ngoài phạm vi của chúng tôi. Riêng kinh doanh nhạc chế gây phản cảm thì rõ ràng đó là hành vi phạm pháp.

Theo Luật sở hữu trí tuệ, việc đặt lời mới cho một tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả đã là vi phạm, huống chi những lời lẽ đó gây phản cảm rồi lại được đem ra kinh doanh công khai. Tất nhiên với việc không xin phép, không tôn trọng tác giả như vậy thì không làm gì có chuyện họ chi trả tác quyền cho chủ sở hữu tác phẩm.

Để giải quyết tình trạng này và giúp dư luận bớt bức xúc, chúng tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có hành động vì những đơn vị kinh doanh ấy có kinh doanh lén lút đâu.

* Ông An Long (phó giám đốc Sở Văn hóa – thể thao & du lịch TP.HCM): Sẽ có hướng xử lý

Dịch vụ nhạc chờ như báo Tuổi Trẻ phản ánh được cung cấp qua mạng viễn thông và Internet nên việc xử lý sẽ do bên thông tin – truyền thông. Tuy nhiên những lời lẽ phản văn hóa hay việc chế lại lời tác phẩm âm nhạc như vậy cũng nằm trong phạm vi của bên văn hóa chúng tôi.

Sắp tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Thông tin – truyền thông kiểm tra xem tình hình như thế nào và sẽ có hướng xử lý.

* Nhà văn Nguyên Ngọc: Nguy hiểm cho phông văn hóa

Có một vấn đề mà ở đây chúng ta cũng cần phải xét đến là văn hóa người dùng. Phải có những người thích kiểu nhạc chuông như thế, những lời thoại như thế thì mới có những đơn vị cung cấp các sản phẩm như thế. Xét ở chiều ngược lại, chúng ta cũng có thể nói rằng phải có những sản phẩm như vậy được mang ra kinh doanh thì mới có người mua về cài đặt vào máy để người khác phải nghe. Cái bậy của người tiêu dùng là đã sử dụng những sản phẩm ít văn hóa, còn cái bậy của nhà kinh doanh là phớt lờ văn hóa.

Tôi nghĩ đây là thực trạng chung về xuống cấp văn hóa không chỉ riêng trong lĩnh vực nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại mà còn trong nhiều lĩnh vực khác nữa.

Điều lớn nhất tôi quan tâm ở đây là trách nhiệm của những nhà quản lý. Anh ở đâu? Anh có biết việc này hay không? Nếu đã biết (ít nhất là qua phản ánh của báo chí) thì anh sẽ làm gì? Người dân cần và có quyền yêu cầu những câu trả lời rõ ràng và những hành động cụ thể. Các công ty dịch vụ viễn thông có mặt trên cả nước nên nếu một sở, ngành địa phương không thể giải quyết nổi thì Bộ Văn hóa – thể thao & du lịch, Bộ Thông tin – truyền thông phải giải quyết bởi nếu tình trạng này kéo dài, tôi e sẽ rất nguy hiểm cho phông văn hóa của người Việt.

Ông Diệp Khắc Dân (trưởng phòng đối ngoại Công ty cổ phần quảng cáo 24h – một đơn vị cung cấp dịch vụ): Chúng tôi đã yêu cầu gỡ bỏ những đoạn nhạc chờ có nội dung tiêu cực

Sự thật chắc mọi người cũng biết những đoạn thoại, những bản nhạc chế đó phần lớn được lấy từ Internet. Có nhiều đoạn nghe cũng vui nên anh em biên tập đưa lên cho mọi người download. Ngay khi xem bài báo của Tuổi Trẻ, chúng tôi đã kiểm tra nhanh và xác nhận những điều Tuổi Trẻ nêu là đúng và cái nào chúng tôi sai, chúng tôi sẵn sàng nhận là sai. Ngay ngày cuối tuần mà ban giám đốc chúng tôi vẫn phải họp, yêu cầu gỡ bỏ những đoạn nhạc chờ có nội dung tiêu cực.

Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát lại cơ sở dữ liệu và tiếp tục loại bỏ những sản phẩm đó. Còn về chuyện bản quyền chúng tôi đã ký kết các hợp đồng chi trả phí với Trung tâm Bảo vệ bản quyền, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm. Những trường hợp lời thoại chúng tôi tạm thời chưa thể liên lạc chi trả vì chưa xác định được chủ sở hữu. Nếu xác định được chúng tôi sẽ chi trả ngay.

PHẠM THÀNH NHÂN (Theo TTO)

Bình luận (0)