Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Trung Quốc: Thất nghiệp, đua nhau tìm việc ảo

Tạp Chí Giáo Dục

Suy thoái kinh tế đang khiến nhiều người trẻ lâm cảnh thất nghiệp. Lúc này, sức mạnh của Internet lại mở ra “cửa sáng”. Câu chuyện về những người trẻ đang thất nghiệp bỗng “đổi vận” nhờ việc ảo được ghi lại ở Trung Quốc, đăng trên Peoples Daily Online hôm 10/10.

Trung Quốc có lượng người truy cập Internet lớn nhất thế giới, đang tạo ra việc làm trực tuyến.

Wang Dengfeng đang làm việc như một người chuyên trang trí nội thất, nhưng anh chưa bao giờ phải lấm lem với các màu sơn hay chịu cảm giác đau lưng vì di chuyển đồ đạc.

Thay vì trang hoàng những cửa hiệu và các ngôi nhà trong thế giới thực, anh chàng 31 tuổi Wang Dengfeng thiết kế và làm đẹp các cửa hàng trong thế giới ảo. Anh khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn trước những khách hàng vào mua sắm online.

Công việc này mang lại cho Wang khoảng 5.000 đến 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng – một khoản thu nhập chẳng hề kém cạnh với những anh chàng công sở bảnh bao ở các thành phố lớn.

Tuy nhiên, Wang không phải là người đặc biệt duy nhất. Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc kiếm tiền trên thế giới ảo để trang trải cho cuộc sống và coi đó là một nghề.

Theo một bài viết được đăng tải lên mạng rất nổi tiếng gần đây thì hiện có ít nhất 36 loại công việc trực tuyến, bao gồm lao động làm việc online theo giờ và các trợ lý cửa hàng trực tuyến.

Bài viết không cho biết con số người kiếm sống nhờ thế giới ảo nhưng khẳng định có rất nhiều người làm việc bán thời gian trên mạng.

Một trong những người làm việc online thành công nhất ở Trung Quốc là Kuang Baoqiang ở Dương Giang, tỉnh Quảng Đông. Năm ngoái, Kuang Baoqiang đã “đút túi” hơn 100.000 nhân dân tệ với “nghề” blogger chuyên nghiệp.

Kuang bắt đầu viết blog về môn bóng rổ trên trang web nổi tiếng của Trung Quốc sina.com.cn từ năm 2006.

Cho đến nay, anh chàng này đã post khoảng 1200 bài viết lên blog và thu hút được hơn 38 triệu lượt truy cập.

Sự ái mộ của mọi người dành cho Kuang đem lại cho anh một bản hợp đồng đáng giá với một công ty trong nước chuyên sản xuất các sản phẩm thể thao hồi năm ngoài. Công ty này muốn đặt quảng cáo trên blog của Kuang.

Vivian Lin ở tỉnh Giang Tô không thể có được một công việc ổn định kể từ khi tốt nghiệp đại họcvào năm 2005. Tháng trước, sau 6 tháng thất nghiệp, Lin mở một shop online mang tên “Lin club”. Lin hy vọng cô cũng sẽ đạt được những thành công như Kuang và Wang.

“Một công việc vừa ý thật không dễ dàng để tìm thấy hiện nay”, Lin nói. “Nhưng mua sắm và lướt web đã trở thành hai sở thích của tôi, vì thế tôi quyết định thử vận may của mình”.

Cửa hàng của Lin hiện giờ vẫn chưa làm ăn phát đạt nhưng Lin vẫn ấp ủ rất nhiều hy vọng.

“Tôi có rất nhiều thứ phải học hơn trước khi tôi có thể kiếm được tiền nhờ công việc này”, Lin chia sẻ.

Các chuyên gia thì tin rằng công việc trực tuyến sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với những người trẻ thất nghiệp.

Chen Xinming, một giáo sư tại Đại học Normal Nam Trung Quốc cho biết giới trẻ nên được khuyến khích thử sức với lựa chọn này. Tuy niên ông Chen nói rằng cần phải có nhiều hơn những cuộc nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế đang lên này để đảm bảo người lao động trực tuyến không bị bóc lột.

Võ Hiền (Theo Dantri)

Bình luận (0)