Cùng với xu hướng sử dụng điện thoại di động ngày càng phổ biến, phụ nữ Ai Cập đang là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục theo chiều hướng biến tướng và đáng lo ngại hơn. Bọn tội phạm ẩn mình sau những cú điện thoại và tin nhắn “bẩn”.
Một phụ nữ trẻ Ai Cập với chiếc điện thoại di động. |
Những con đường đông đúc, nhộn nhịp của thủ đô Cairo, Ai Cập, có thể trở thành một nơi đáng sợ khi những người phụ nữ ở đây mạo hiểm ra ngoài một mình, thậm chí cả lúc họ đi theo nhóm.
Nạn quấy rối tình dục đã trở thành một vấn đề phổ biến và nhức nhối ở Ai Cập, từ những hành vi đụng chạm một cách có chủ ý cho đến cách gọi tục tĩu dâm ô trắng trợn.
Nhưng dường như đang có một hiện tượng khác không công khai nhưng lại đang lan rộng ở đất nước này, đó là nạn đe dọa quấy rối qua điện thoại di động. Cùng với sự tiến bộ của công nghệ hiện đại, ngày càng nhiều phụ nữ Ai Cập phàn nàn họ nhận được sự “săn sóc” thường xuyên và thực sự khó chịu của người đàn ông mà họ chưa từng gặp mặt.
Một trong những phóng viên tại văn phòng của BBC cũng đã từng là nạn nhân của những số điện thoại bám đuôi kiểu này. Ai đó đã gọi cho cô rất nhiều lần trong ngày và đôi khi là giữa đêm.
Xâm phạm đời tư
Hầu hết những cuộc gọi và tin nhắn quấy rối đều xuất phát từ những người đàn ông trẻ tuổi. Họ bấm số một cách ngẫu nhiên và thường xuyên có những cuộc trò chuyện tầm phào. Nhưng đôi khi họ có thể hướng mọi chuyện đi quá giới hạn một cách đáng sợ hơn.
“Chúng tôi biết có một vài trường hợp điều đó đã trở nên rất khó chịu”, Nihad Qomsan ở Trung tâm vì quyền Phụ nữ Ai Cập cho biết.
“Đã có những trường hợp người phụ nữ nhận cuộc gọi và bên kia nói với cô ấy rằng “Tôi biết cô, tôi biết cả địa chỉ của cô” hoặc “Tôi biết nơi cô đang làm việc hoặc nơi cô học”, và hắn ta sẽ tiếp tục cuộc gọi với những ngôn từ trở nên đe dọa hoặc xúc phạm hơn”.
Tại tạp chí dành cho giới trẻ Teenstuff, các cô gái mà chúng tôi phỏng vấn cho biết tất cả họ đều đã gặp phải một số hình thức của quấy rối đe dọa bằng điện thoại.
“Tôi đã bị quấy rối một lần bởi ai đó mà tôi biết”, Safeya Zeitoun, 16 tuổi nói. “Hắn gọi cho tôi hàng giờ”.
Marwa Makhlouf, một cô gái cũng 16 tuổi kể: “Tôi đã đưa điện thoại cho anh trai tôi và anh đã quát lên với chúng”.
Mona Bassell, 17 tuổi chia sẻ: “Có một gã cứ gọi cho tôi vào đúng 4 giờ sáng. Hắn nói “Chào, em đang làm cái gì thế?” như kiểu hắn là một người bạn vậy. Tôi nói với hắn hãy dừng gọi điện cho tôi đi nhưng hắn nói “Không, tôi muốn hiểu rõ về em”.
“Họ nghĩ đó chỉ là cho vui nhưng nó thực sự gây khó chịu và đôi khi điều đó dẫn đến những vấn đề đáng lo ngại cho các cô gái.
“Thỉnh thoảng, cô ấy nói lại với bạn bè của mình và chỉ khi họ chia sẻ với nhau những câu chuyện của mình, họ mới nhận ra tất cả họ đều có cùng vấn đề như nhau”.
Trên thực tế, một cuộc khảo sát được Trung tâm vì quyền Phụ nữ Ai Cập thực hiện hồi năm ngoái trên 2000 phụ nữ đã chỉ ra, 83% phụ nữ đã từng bị quấy rối tình dục dưới nhiều hình thức, 23% từng nhận được những cuộc gọi điện thoại tục tĩu. Nhưng ngay cả như vậy, các số liệu thống kê cũng chưa phản ánh được hết mức độ “leo thang” của vấn nạn này
Dù sao, có những người vẫn tin nạn quấy rối qua điện thoại là biểu hiện của một vấn đề lớn hơn.
“Con đường duy nhất cho tình dục hợp pháp trong xã hội Ai Cập là kết hôn. Nhưng hiện nay điều đó rất khó để tuân theo”, Said Sadek, giáo sư xã hội học tại Đại học Mỹ của Cairo, nói.
“Tình dục bất hợp pháp trong xã hội Ai Cập thể hiện dưới nhiều hình thức: những cuộc gọi quái đản, các kênh khiêu dâm tiếng Ả Rập, quấy rối phụ nữ trên đường phố, kết hôn bí mật – đó là một vấn nạn thực sự.
“Họ cứ gọi số bất kì cho đến khi một người phụ nữ đáp lại một cách nhẹ nhàng, theo đó, họ cảm thấy tìm ra một chút sự khích lệ và họ theo đuổi cô ấy. Nhưng nếu người phụ nữ lên tiếng phàn nàn về vấn đề này, kẻ gọi điện có thể bị tìm ra. Không vấn đề gì”.
Vấn đề của cảnh sát
Vấn nạn này sẽ dễ dàng bị dập tắt. Cách đây khoảng 2 năm, trước làn sóng phẫn nộ và những cuộc biểu tình có quy mô của những người sử dụng di động, chính phủ đã nhanh chóng phải cho ra đời một điều luật mới quy định bất cứ ai mua một thẻ sim cho điện thoại di động đều phải khai báo tên và địa chỉ.
Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết phụ nữ Ai Cập đều cho rằng “yên lặng” là điều tốt nhất họ có thể làm khi trở thành nạn nhân của nạn quấy rối tình dục. Phụ nữ không tin tưởng vấn đề sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc hoặc không muốn chuốc thêm nỗi thất vọng ê chề.
“Về phương diện lịch sử, có rất nhiều rào cản giữa phụ nữ và cảnh sát”, ông Nihad Qomsan cho hay. “Trong quá khứ, các đồn cảnh sát thường trở thành nguồn gốc của những vấn đề còn tồi tệ hơn”.
“Nhưng trên thực tế hiện nay họ đang đưa ra ánh sáng ngày càng nhiều những vụ quấy rối tình dục như vậy, đó là điều tích cực”.
Vào tháng hai năm nay, quốc hội Ai Cập đã đưa một đạo luật dự thảo nhằm tìm ra những hình thức xử phạt mạnh tay hơn đối với tội phạm quấy rối tình dục.
Điều đó sẽ buộc cảnh sát phải điều tra tất cả những cáo buộc liên quan đến vấn nạn này. Bên cạnh đo, những kẻ quấy rối đe dọa qua điện thoại có thể nhận khoản tiền phạt rất nặng.
Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy vẫn còn một con đường để đi trong việc thay đổi thái độ của cả phụ nữ và đàn ông để xã hội hiểu rằng quấy rối tình dục bao gồm tất cả các hình thức lạm dụng về thể chất và ngôn ngữ.
Võ Hiền (theo Dantri)
Bình luận (0)