Nhà sản xuất chip xử lý lớn nhất thế giới sẽ trả 1,25 tỷ USD để giảng hòa với AMD, nhằm kết thúc vụ kiện kéo dài suốt 4 năm qua.
Vụ kiện bắt đầu từ năm 2005 khi AMD phát đơn cáo buộc Intel lạm dụng quyền lực trên thị trường chip để dìm thị phần của AMD. Hiện Intel chiếm khoảng 80% thị phần trên thị trường vi xử lý, trong khi đó, AMD giữ vỏn vẹn 20%.
Theo đơn kiện của AMD, Intel trừng phạt những hãng sản xuất máy tính nào sử dụng chip của AMD hay thậm chí, đại gia này còn đưa ra những chính sách giảm giá đặc biệt cho những đối tác sử dụng chip của hãng – khoản tiền này được các giám đốc Toshiba ví như là “liều cocaine”. Các nhà lãnh đạo của Gateway cũng phàn nàn việc Intel đe dọa sẽ trả đũa bất cứ ai làm việc với AMD làm cho họ “khó xử”.
Intel phản bác đơn kiện này và nói rằng họ chỉ thực hiện khuyến mãi với những khách hàng lớn, giúp họ sản xuất máy tính rẻ hơn cho khách hàng bởi vì chip máy tính có thể chiếm đến 15-20% chi phí của một chiếc máy tính.
Tuy nhiên, mặc dù chiêu thức kinh doanh của Intel không có gì là sai nhưng đơn kiện của AMD, theo kế hoạch sẽ ra tòa xét xử ở Delaware vào tháng 3 tới, là một trong những vấn đề đau đầu với Intel. Nếu thua kiện, hãng này sẽ bị thất thế – CEO Paul Otellini của Intel thừa nhận như vậy.
“Dù phải mất một khoản tiền lớn nhưng nó sẽ giúp chúng tôi giữ được hòa bình”, Otellini trả lời qua điện thoại với các nhà phân tích. Cổ phiếu của Intel giảm 16 cent, tương đương 0,8%, xuống còn 19,68 USD vào cuối phiên giao dịch ngày hôm qua.
Vụ dàn xếp này sẽ giúp AMD giảm bớt được gánh nợ 3,7 tỷ USD. Cổ phiếu của hãng này tăng 1,16 USD – tăng 22% -, lên 6,48 USD.
Mặc dù vậy, Intel vẫn chưa yên chuyện khi bắt tay hòa bình với AMD bởi nhiều cơ quan chống độc quyền ở một số nước đã đệ đơn kiện Intel dựa trên các cáo buộc của AMD.
Ủy ban thương mại Mỹ đang điều tra Intel, và các nhà lập pháp châu Âu cũng đã phạt Intel một khoản tiền kỷ lục – 1,45 tỷ USD. Dù đã nộp phạt nhưng Intel vẫn có ý định kháng cáo. Hôm qua, phát ngôn viên của EU nhấn mạnh, dàn xếp giữa Intel và AMD không thể giúp Intel “trốn” được nhiệm vụ tuân thủ luật chống độc quyền của EU.
Các cơ quan pháp luật của Hàn Quốc cũng đã phạt Intel 18,6 triệu USD, và Intel cũng kháng cáo. Và, mới tuần trước, Chưởng lý New York Andrew Cuomo đã đệ đơn kiện cáo buộc Intel “đe dọa và thông đồng” để chiếm lĩnh thị trường vi xử lý. Năm 2005, Ủy ban thương mại Nhật Bản phát hiện Intel vi phạm các luật chống độc quyền của nước này. Intel đã chấp nhật nộp phạt mặc dù không thừa nhận mình sai.
N.H (Theo Dantri)
Bình luận (0)