Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ giải cứu khách hàng vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 lịch sử

Tạp Chí Giáo Dục

Mỹ bảo lãnh cho khách hàng gửi tiền sau khi Ngân hàng Silicon Valley (SVB) phá sản – vụ phá sản lớn thứ 2 trong lịch sử ngân hàng Mỹ.
Ngân hàng SVB đóng cửa ngày 10.3.2023.
Khách hàng của SVB sẽ được rút tiền gửi ngân hàng bắt đầu từ ngày 13.3 – Reuters dẫn lời giới chức Mỹ khẳng định hôm 12.3, khi chính phủ liên bang công bố các hành động nhằm tăng cường tiền gửi và ngăn chặn mọi hậu quả tài chính lớn hơn từ sự sụp đổ của ngân hàng phục vụ các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Thung lũng Silicon.
Hội đồng quản trị của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Cục Dự trữ Liên bang (Fed), với sự tham vấn của Tổng thống Joe Biden, đã thông qua nghị quyết của FDIC về SVB – theo một tuyên bố chung của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg vào tối 12.3.
Tuyên bố cho biết động thái này sẽ không dẫn đến thiệt hại cho những người đóng thuế ở Mỹ và tất cả những người gửi tiền sẽ được thanh toán toàn bộ.
“Hôm nay chúng tôi thực hiện những hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng của chúng ta” – tuyên bố cho biết. "Bước đi này sẽ đảm bảo rằng hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của mình trong việc bảo vệ tiền gửi và cung cấp khả năng tiếp cận tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp theo cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững".
Một quan chức cao cấp Bộ Tài chính Mỹ cho hay, các công ty không được cứu trợ, nhưng người gửi tiền được bảo vệ. Vốn chủ sở hữu và trái chủ của SVB sẽ bị xóa sổ. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ làm việc với Quốc hội và các cơ quan quản lý tài chính để xem xét những hành động bổ sung nhằm củng cố hơn nữa hệ thống tài chính.
Theo quan chức này, nền kinh tế vẫn trong tình trạng tốt nhưng các quan chức sẽ tiếp tục thực hiện các bước để đảm bảo hệ thống tài chính vẫn vững mạnh.
Cục Dự trữ Liên bang cũng thông báo sẽ cung cấp thêm nguồn vốn thông qua chương trình cấp vốn có kỳ hạn. Chương trình này sẽ cung cấp các khoản vay lên đến một năm cho các tổ chức lưu ký, được hỗ trợ bởi kho bạc và các tài sản khác mà các tổ chức này nắm giữ.
Các quan chức cũng nói rằng những người gửi tiền ở Ngân hàng Signature Bank New York – vốn đã bị cơ quan quản lý tài chính của bang New York đóng cửa hôm 12.3 – sẽ được hoàn trả tiền toàn bộ.
Các cổ đông và người gửi tiền không bảo hiểm của Signature Bank sẽ không được bảo vệ. Ban quản lý ngân hàng cũng bị loại bỏ.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Yellen cho biết đang làm việc với các cơ quan quản lý ngân hàng để có biện pháp ứng phó sau khi SVB trở thành ngân hàng Mỹ lớn nhất phá sản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Vào tháng 3.2020 khi đại dịch COVID-19 và các đợt phong tỏa gây ra cơn hoảng loạn tài chính, Cục Dự trữ Liên bang đã công bố một loạt biện pháp để duy trì dòng chảy tín dụng bằng cách giảm chi phí đi vay và kéo dài thời hạn của các khoản vay trực tiếp.
Đến cuối tháng đó, việc sử dụng cửa sổ chiết khấu của Fed đã tăng vọt lên tới hơn 50 tỉ USD.
Cho đến giữa tuần trước, trước khi SVB sụp đổ, không có dấu hiệu nào cho thấy việc sử dụng tăng lên. Dữ liệu của Fed cho thấy số dư chưa thanh toán hàng tuần từ 4 tỉ USD đến 5 tỉ USD kể từ đầu năm.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)