Ðến cuối tháng 10, hồ sơ học viên ở các trường đại học, cao đẳng gần như "chốt". Vậy là đã khép lại một mùa tuyển sinh đầy biến động. Nhưng trên giảng đường, vẫn còn đó bao bộn bề. Nỗi lo không đơn giản là những mùa tuyển sinh đến rồi đi…
Các thí sinh phấn khởi sau khi xem điểm thi. Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG
|
Không đủ người học, nhiều ngành đóng cửa
Chưa bao giờ, công tác tuyển sinh lại rơi vào tình trạng khan hiếm học viên như hiện nay, ngay cả những trường đại học danh giá vốn được người học chuộng xưa nay. Trường đại học Y Hà Nội đến ngày 2-9 chỉ có 57 hồ sơ nộp xét tuyển nguyện vọng 2 vào trường, trong khi có 124 chỉ tiêu. Trường đại học Ngoại thương Hà Nội đến ngày 30-8, chỉ có 72 hồ sơ nộp xét tuyển, trong khi chỉ tiêu của trường là 240. Ở những trường ngoài công lập, tình hình tuyển sinh còn đìu hiu hơn. Trường đại học Thái Nguyên mới nhận được 1.705 hồ sơ xét tuyển trong khi tổng chỉ tiêu của trường năm nay là 5.104. Trường đại học Công nghiệp Quảng Ninh nhận được 139 hồ sơ xét tuyển, trong khi chỉ tiêu là 1.710. Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh 431 hồ sơ xét tuyển trong khi có 1.150 chỉ tiêu…
Trước tình hình bi đát đó, nhiều trường do không tuyển đủ số học viên tối thiểu, buộc phải đóng cửa một số ngành học. Ðặc biệt, những ngành học không tổ chức thi tuyển mà chỉ đợi hồ sơ nguyện vọng 3 thì đúng là rơi vào cảnh há mồm chờ sung. Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường đại học Huế, Trường đại học Ðà Lạt đến thời điểm này đã chính thức tuyên bố đóng cửa bốn ngành học, Trường đại học Ðà Nẵng đóng cửa hai ngành. Trường đại học Ðồng Tháp cũng không cập nhật lượng hồ sơ nguyện vọng 3 nộp vào trường. Trước tình trạng chung đó, trường này cũng xác định đóng cửa bốn ngành học…
Xuất chiêu hút học viên
Trước tình hình khan hiếm người học, hầu hết các trường đều áp dụng cách tuyển sinh linh hoạt để giữ thí sinh. Ðiều này hoàn toàn chính đáng, vì vừa bảo đảm quyền lợi cho người học, vừa là một cách khẳng định uy tín của nhà trường. Tuy nhiên, trong cuộc chiến cạnh tranh giành người học của các trường, diễn ra thực trạng đáng buồn là sự dễ dãi quá đáng trong tuyển sinh. Ngoài điểm ưu tiên đối tượng khu vực được tặng 0,5 điểm như trước đây, nay được tăng gấp đôi, nhiều trường còn áp dụng quy chế 33 để nhân đôi số điểm, tặng điểm cho thí sinh nào nộp hồ sơ nguyện vọng sớm. Chính vì sự hào phóng trong cộng điểm, mới có những trường hợp trớ trêu, thí sinh chỉ cần đạt 5 điểm có thể đỗ cao đẳng, 8 điểm đỗ đại học, và thủ khoa một trường đại học với số điểm đạt được là 12,5!
Bên cạnh việc hào phóng tặng điểm, các trường đại học, cao đẳng còn nghĩ ra nhiều chiêu khác nhau để giành giật người học. Miễn hoàn toàn hoặc giảm học phí trong kỳ học đầu tiên, miễn phí chỗ ở, miễn hoàn toàn hoặc giảm học phí cho đối tượng con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công… Trực tiếp tặng tiền mặt cho thí sinh trúng tuyển, tặng học bổng. Không chỉ tặng tiền người học, thậm chí có trường dân lập còn có chính sách tặng tiền cho trường đã giới thiệu học sinh của họ vào học ở trường họ.
Và những bất cập
Với cánh cửa rộng mở như hiện tại ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng, học viên không gặp khó khăn trở ngại gì để tham gia vào công cuộc xã hội hóa giáo dục, ngoại trừ việc các bậc phụ huynh phải nai lưng đóng tiền để con em theo học trong suốt cả quá trình. Ðồng tiền bát gạo bỏ ra đầu tư cho con em, đầu tư cho giáo dục là điều đáng mừng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là học viên sẽ thu lại được những gì khi chất lượng đầu vào gần như bị thả nổi như trên? Với số điểm họ đạt được khi xét tuyển đầu vào thấp như hiện nay, liệu kiến thức họ có đủ để tiếp tục con đường học hành…
Còn quá nhiều vấn đề cần quan tâm từ đây. Liệu công tác tuyển sinh trong những năm qua có gì chưa ổn? Chính sách "ba chung" đã đến lúc cần cải tiến, thay đổi để có những mùa tuyển sinh không rối rắm, phức tạp và nảy sinh nhiều giá trị ảo như hiện nay.
Tiêu chí đào tạo theo nhu cầu của xã hội, nhìn lại mấy mùa tuyển sinh gần đây, xem ra ít nhiều bị coi nhẹ. Xã hội càng phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao càng đòi hỏi nhiều hơn. Ở các diễn đàn, nhà tuyển dụng vẫn phàn nàn ứng cử viên không đáp ứng được yêu cầu của họ, không chỉ về chuyên môn mà còn về các kỹ năng cần thiết… Chất lượng sinh viên tốt nghiệp các trường dân lập vốn không được đánh giá cao, từ mùa tuyển sinh này, với chuẩn đầu vào như hiện nay, không thể kỳ vọng có được nguồn nhân lực đạt chất lượng. Trên thực tế, một quyết định đúng hay sai hiện còn gây nhiều tranh cãi, nhưng việc tỉnh Nam Ðịnh mới đây nói Không với sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập, âu cũng là giọt nước tràn ly.
Theo BÌNH NHI
(NDDT)
Bình luận (0)