Tòa nhà được cho là cao nhất nước hiện nay, 70 tầng, cũng là tòa nhà đầu tiên tại Việt Nam hoàn toàn xây bằng gạch không nung. Mô hình này được coi là mở đầu cho xu thế sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường thời biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Việt Nam đã sản xuất thành công gạch không nung bằng công nghệ nội địa. Ảnh: M.H |
Tòa nhà Keangnam cao 70 tầng, sừng sững tại đường Phạm Hùng (Hà Nội) thoạt nhìn không có gì đặc biệt ngoài chiều cao nổi tiếng của nó. Sự khác biệt nằm ngay trong từng viên gạch. Đó là một vật liệu mới, còn xa lạ với nhiều công trình xây dựng Việt Nam: Gạch không nung.
Khi chọn loại gạch này, chủ đầu tư đã thẩm định và bị thuyết phục bởi những ưu điểm của nó (như độ chịu lực, chống thấm, cường độ nén, uốn… không khác gì gạch nung bình thường). Hơn thế, viên gạch có màu đỏ rất đẹp, bề mặt nhẵn, mịn. Nếu không trát sẽ tạo ra cảm giác rất mát mắt, gần gũi với tự nhiên.
Theo đại diện Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nước ta hiện nay tiêu thụ 20 – 22 tỷ viên gạch một năm, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng ước tính gấp đôi, 40 tỷ viên.
Để đạt được lượng gạch này, cần một lượng đất khoảng 600 triệu m3, tương đương 30.000 ha đất canh tác. Hay nói nôm na, mỗi năm phải nướng diện tích một xã vào lò gạch. Gạch nung còn tiêu tốn nhiều năng lượng than, củi. Những lò gạch thải vào bầu khí quyển một lượng khí độc lớn.
Trong bối cảnh đó, việc sử dụng gạch không nung là xu thế tất yếu của thế giới. Việt Nam cũng đã có gạch không nung, nhưng tỷ lệ sử dụng rất thấp, chỉ chiếm 4 – 5% sản lượng gạch toàn quốc.
Lý do, ngoài thói quen sử dụng gạch nung từ lâu nay, còn do dây chuyền chủ yếu nhập, công nghệ phức tạp nên giá thành gạch cao. Gạch không nung đến nay vẫn là món hàng xa xỉ.
Thành công tạo gạch không nung Việt Nam
Cty CP Công nghệ & Thương mại Huệ Quang, tiền thân là Trung tâm Ứng dụng Khoa học & Chuyển giao Công nghệ Mới thuộc Viện Nghiên cứu Hỗ trợ Phát triển nông thôn, vừa cho ra đời công nghệ sản xuất gạch không nung từ đất và phế thải, sau năm năm nghiên cứu.
Đất để sản xuất gạch chỉ chiếm 30 – 50% nguyên liệu. Có thể sử dụng đa dạng các loại đất từ miền núi, đồng bằng, duyên hải, đất đá sỏi không canh tác nông nghiệp được… và nguồn phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp.
Về nguyên lý tạo ra loại gạch này, ông Mai Công Thi, Chủ tịch HĐQT Cty Huệ Quang, giải thích, là nhờ vào đặc tính của vật liệu. Đất sét có tính âm, kết hợp với vật liệu có nhiều tính dương như magie, sắt, qua quá trình nén, sẽ tạo ra một chất mới cứng như đá.
Loại gạch này sau khi được tạo hình thì tự đóng rắn, đạt các chỉ số về cơ học, cường độ nén, uốn, độ hút nước… mà không cần qua nung nóng. Gạch ép xong chỉ cần hong khô 7 – 10 ngày là có thể xuất xưởng.
Trọng lượng mỗi viên gạch khoảng 2,3kg, nếu đục lỗ thì chỉ còn 1,8 kg so với gạch nung thông thường 2,5kg. Qua thẩm định tại Viện Khoa học Công nghệ & Giao thông vận tải, Viện Vật liệu Xây dựng, kết quả đạt tiêu chuẩn quy định về cường độ chịu lực, chịu nén tốt, có thể chịu nhiệt tới 950 oC.
Giá thành mỗi viên gạch này ước tính thấp hơn hoặc ngang bằng gạch nung bình thường do dây chuyền sản xuất, công nghệ đã được nội địa hóa tối đa.
Sau khi xem xét, đánh giá, nhóm nghiên cứu đã chia ra các loại mẫu đất đặc trưng phù hợp với sản xuất gạch không nung tại Bắc Bộ là đất sét pha Hưng Hà – Thái Bình, đất sét đồi Mộc Châu – Sơn La, Lục Ngạn – Bắc Giang, đất đá ong Ba Vì – Hà Nội, tràng thạch bán phong hóa Phú Thọ, cao lanh Chí Linh – Hải Dương, đất Puzolan Thanh Mỹ – Sơn Tây, v.v. Các miền đất trên có đặc điểm chung là hàm lượng cao lanh trong đất chiếm tỷ lệ cao, từ 15 đến 30%, rất phù hợp với công nghệ làm gạch không nung. Các nguồn đất này sẵn có tại địa phương và ít giá trị nông nghiệp. Công nghệ sản xuất không cồng kềnh, lại sẵn nguyên liệu tại chỗ nên có thể xây nhà máy ở bất cứ vùng nào. |
Mỹ Hằng (Theo TPO)
Bình luận (0)