Hiện nay, khách hàng thường được tặng kèm modem khi đăng ký các dịch vụ ADSL. Nhưng các loại modem nhiều tính năng cao cấp vẫn được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm
Thị trường hiện có rất nhiều loại modem khác nhau, từ hàng phổ thông cho đến những loại cao cấp tích hợp nhiều chức năng như wireless, router, VOIP… của các thương hiệu CNET, SPEED TOUCH, DRAYTEK, LINKPRO, PLANET, ZOOM, DLINK… Giá dòng sản phẩm này dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng tùy vào tính năng và nhãn hiệu.
Phân loại modem
Đối với đa số người tiêu dùng chỉ sử dụng 1 máy kết nối internet ADSL, các modem có tính năng thông thường, kết nối qua cổng USB hoặc LAN như SPEED TOUCH 330 USB, DRAYTEK EXT, CNET CAR2-701U, DLINK… có giá khoảng vài trăm ngàn đến 1 triệu là phù hợp. Hầu hết những sản phẩm này được bảo hành 1 năm.
Ngoài ra, thị trường còn đặc biệt phong phú các loại modem nhiều tính năng. Các loại modem ADSL tích hợp tính năng router như PROLINK H200S ADSL 2, DRAYTEK, PLANNET, SPEED TOUCH 510V6… là giải pháp phần cứng để chia sẻ kết nối ADSL.
Tuy giá có đắt hơn giải pháp phần mềm (dùng modem thông thường lắp vào một máy tính rồi cài các phần mềm chia sẻ internet) nhưng lại được lợi về thời gian và công sức trong việc cài đặt và bảo trì. Nếu bạn đã có sẵn hub/switch trong hệ thống mạng, có thể chọn loại 1 cổng RJ-45, chọn loại nhiều cổng nếu chưa có sẵn hub/switch. Các loại modem hỗ trợ wireless như DLINK DSL 2640T, PLANET ADW- 4401, SPEED TOUCH 585, LINKSYS WAG 200G, DRAYTEK V2700… có giá từ 1- 2 triệu đồng là lựa chọn ưa thích của nhiều người dùng.
Những loại này đều hỗ trợ kết nối wireless theo chuẩn 802.11G thông dụng. Ngoài ra, thị trường còn có một số modem có các tính năng cao cấp như: DDNS, gọi điện thoại VOIP, mạng riêng ảo VPN server… có giá từ 2 đến 7 triệu đồng. Đặc biệt, một số cửa hàng vi tính còn có loại modem có chức năng đặc biệt như DrayTek V3300B gộp 3 line ADSL giá khoảng hơn 6 triệu đồng (370 USD).
Kinh nghiệm khi sử dụng modem ADSL
•Mua bộ lọc “splitter” có chức năng chia đường ADSL làm hai tuyến, 1 tuyến cho điện thoại, fax thông thường và tuyến kia cho dữ liệu. Để đảm bảo trong khi nói chuyện qua điện thoại, bạn vẫn truy cập internet trên cùng một đường điện thoại. Giá khoảng 29.000đ.
•Mỗi loại modem đều có cách thức cài đặt khác nhau, khi mua sản phẩm đều có thêm đĩa CD chứa driver và phần hướng dẫn cài đặt. Hiện nay thị trường xuất hiện loại modem kết nối với máy tính qua cổng USB, kiểu kết nối này đòi hỏi máy tính phải cài đặt driver thì mới truy cập internet được. Vì vậy, nếu không rành về máy tính bạn nên nhờ người có kinh nghiệm giúp.
•Khi không có nhu cầu kết nối internet, bạn nên tắt modem để tránh tình trạng modem vẫn kết nối với nhà cung cấp dịch vụ internet và khiến bạn tốn lưu lượng sử dụng.
•Nên đặt modem ở vị trí cao, thoáng mát, tránh tiếp xúc với mặt bàn. Nên kê một vật gì đó để có khoảng hở giữa modem và mặt bàn để kéo dài thời gian sử dụng của modem.
Nhã Nguyễn (Theo TNO)
Bình luận (0)