Năm nay, Hà Nội vẫn sử dụng phương thức kết hợp thi và xét tuyển để tuyển vào lớp 10. Vậy Hà Nội mở rộng có khó khăn và thuận lợi gì? Giáo Dục TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội trước thềm tuyển sinh năm nay.
Ông Nguyễn Thành Kỳ cho biết, về khách quan, kết hợp thi và xét tuyển vào lớp 10 có nhiều cái lợi. Quan trọng nhất là thông qua xét tuyển buộc học sinh phải học trong suốt quá trình THCS, tránh học lệch cũng như coi thường một số môn được gọi là môn phụ. Thi tuyển sẽ tạo ra mặt bằng chung để đánh giá. Như vậy, kết hợp thi tuyển và xét tuyển sẽ tạo được độ khách quan và chính xác cao hơn. Thứ hai, bản thân quá trình thi và xét tuyển như vậy tạo nên thước đo đánh giá chất lượng học giữa các trường THCS. Tạo động lực để các trường THCS cố gắng trong dạy và học. Thứ ba, chọn ra điểm chuẩn. Học sinh tự ý thức được sức mình để chọn trường đăng ký nguyện vọng. Bản thân các trường nếu điểm chuẩn còn thấp thì tiếp tục làm uy tín ngày càng cao lên. Từ năm 2005, khi không còn kỳ thi tốt nghiệp THCS thì dường như không có áp lực về mặt học tập đối với học sinh. Phải có một kỳ thi để các em phấn đấu trong học tập.
Nhưng thực tế, khó khăn cũng rất nhiều khi thực hiện hình thức này. Việc đảm bảo kết quả đánh giá đồng đều ở tất cả các trường đòi hỏi sự chỉ đạo sâu của người quản lý và ban giám hiệu các trường. Xét cho cùng, không thể quan niệm điểm của trường A cao hơn trường B là do chất lượng. Do đó, hoàn toàn đúng theo chuẩn vẫn còn khó khăn. Thực ra, trong tâm lý học sinh, không có kỳ thi tốt nghiệp nên ý thức học tập không còn cao. Hiện nay, khâu quản lý của ngành giáo dục Hà Nội đã chặt chẽ, không có chuyện chạy điểm nhưng vẫn còn một bộ phận học sinh nước đến chân mới nhảy.
Tổ chức thực hiện trên phạm vi rộng, số lượng lớn rất công phu và tốn kém, nhiều khâu để có một kỳ thi.
Khó khăn nữa là cùng thời điểm đó, đội ngũ giáo viên phải tham gia nhiều hoạt động khác. Thời gian học tăng lên, thời gian nghỉ hè ngắn lại, hoạt động bồi dưỡng giáo viên cũng diễn ra trong thời gian đó.
PV: Hà Nội mới mở rộng. Sở GD-ĐT Hà Nội có nghiên cứu phương án tuyển sinh vào 10 năm trước của Sở GD-ĐT Hà Tây (cũ) không, thưa ông?
– Hà Tây (cũ) tổ chức thi nhưng không xét tuyển đồng thời mỗi học sinh chỉ được đăng ký 1 nguyện vọng. Với hình thức này, buộc học sinh phải nỗ lực tối đa và về cơ bản đánh giá đúng chất lượng học sinh. Đồng thời, có thể kết thúc tuyển sinh nhanh, gọn. Nhưng sau đó nảy sinh ra hiện tượng công suất các trường công lập trước sau đều được tận dụng hết. Nhưng đối với các trường ngoài công lập thì không. Hơn thế nữa đối với học sinh sẽ có phần thiệt thòi cho các em. Chính vì vậy, về cơ bản, năm 2009, thi vào lớp 10, toàn thành phố Hà Nội thống nhất kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Mỗi thí sinh được đăng ký hai nguyện vọng.
Đối với Hà Tây (cũ), nếu dùng phương thức tuyển sinh này, giáo viên cũng như học sinh có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
– Cho đến thời điểm này chúng tôi nhận thấy chưa có khó khăn gì. Nếu có thì chắc chắn cũng giải quyết được. Đối với học sinh thì cơ hội được học ở các trường công đối với khu vực Hà Tây cũ sẽ tăng lên.
Nhưng đối với những trường thuộc miền núi, theo ông, chỉ đạo của Sở GD-ĐT có gì khác?
– Ở khu vực này vẫn thực hiện như những vùng thuận lợi khác của thành phố. Trước đó cũng có ý kiến cho rằng khu vực này lên xét tuyển nhưng chính bản thân giáo viên của những trường miền núi không đồng ý. Họ khẳng định phải thi để “ép” học sinh học đồng thời nâng cao chất lượng học sinh. Về phía sở, trong trường hợp không đủ chỉ tiêu, sở sẽ có phương án tình thế để giải quyết.
Không chỉ riêng thi vào lớp 10 mà tất cả các lớp đầu cấp của Hà Nội năm nào cũng có tình trạng “chạy trái tuyến” rất “nhộn nhịp”. Xin ông cho biết, năm 2009, tình hình này sẽ được cải thiện như thế nào?
– Việc học sinh và phụ huynh lựa chọn trường là rất khó khắc phục triệt để. Vì bản thân học sinh cũng khó ý thức được sức học của mình. Còn nếu yêu cầu hộ khẩu ở đâu phải thi ở đó thì rất máy móc vì có nhiều học sinh hộ khẩu một nơi nhưng đã chuyển đi nơi khác để sinh sống. Do đó, hai năm nay, sở đã cho phép chuyển đổi khu vực tuyển sinh nếu cần thiết.
Những năm trước, có rất nhiều trường kể cả trường công lập cũng không tuyển đủ chỉ tiêu. Ông có thể lý giải về vấn đề này?
– Có rất nhiều khó khăn do bản thân các trường như khu vực địa lý, chất lượng. Nhưng cũng có mâu thuẫn nếu đầu ra không cao thì đầu vào không cao. Nhưng đầu vào không cao thì đầu ra cũng không thể cao. Trong một vài năm tới sẽ giải quyết triệt để vấn đề này. Trong những năm qua, sở cũng đã cho phép một số trường sử dụng giải pháp “tình thế” để có thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Đối với những trường kém chất lượng, Sở có đưa ra phương án “giải thể” không, thưa ông?
– Hiện nay trên địa bàn thành phố không có trường nào kém chất lượng.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê
Bình luận (0)