Tối nay, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) đã tổ chức lễ vinh danh và trao giải các tác giả đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ X (2008-2009) và giải WIPO quốc tế. Có 66 giải pháp xuất sắc nhận giải Vifotec và 3 giải WIPO trong năm nay.
Đến dự lễ trao giải có đồng chí Tô Huy Rứa – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Ngài Francis Gurry, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO trong chuyến thăm Việt Nam cũng tham dự buổi lễ này và trao giải thưởng WIPO cho các tác giả.
TGĐ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Francis Gurry trao giải thưởng WIPO cho những nhà sáng tạo xuất sắc nhất. |
Đúng 20h, chương trình bắt đầu với những tiết mục văn nghệ đầm ấm, kỷ niệm 20 năm Giải thưởng Sáng tạo Khoa học – Công nghệ Việt Nam. 3 giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới được trao đầu tiên cho các tác giả, nhóm tác giả là những nhà sáng chế xuất sắc. Giải thưởng nhà sáng tạo xuất sắc nhất được trao cho tác giả kỹ sư Kỳ Thiết Bảo – Công ty Thiết Bảo (TP. HCM) với giải pháp “Máy tự động quấn dây 4 trục”.
Tác giả Lê Thị Hiên – Tổng Công ty giấy Việt Nam nhận giải thưởng nhà sáng tạo nữ xuất sắc nhất với giải pháp “Nghiên cứu giải quyết vấn đề dính bám ở thiết bị xử lý và chưng bốc dịch đen trong sản xuất bột giấy”. Giải thưởng nhà sáng tạo trẻ xuất sắc nhất được trao cho nhóm tác giả thuộc Công ty Cổ phần Viglacera (Hạ Long, Quảng Ninh) với giải pháp “Tận dụng nhiệt khí thải lò nung thanh lăn cho việc đốt nhiên liệu sấy phẩm mộc trong lò sấy 4 tầng”.
Giải thưởng Vifotec năm nay được trao cho 66 giải pháp, trong đó có 6 giải nhất, 12 giải nhì, 18 giải ba và 30 giải khuyến khích thuộc 6 lĩnh vực: Công nghệ thông tin – điện tử – viễn thông; Nông – lâm – ngư nghiệp và tài nguyên môi trường; Vật liệu – hoá chất – năng lượng; Cơ khí tự động hoá – xây dựng – giao thông vận tải; Y dược; Giáo dục và các lĩnh vực khác.
Vinh danh các nhà sáng tạo đoạt giải thưởng Vifotec 2009. |
Trong lĩnh vực Công nghệ thông tin – điện tử – viễn thông, giải nhất thuộc về giải pháp “Nghiên cứu thiết kế chế tạo trạm biến áp di động phòng nổ hầm lò 240KVA-6/0,69(0,4)KV, kiểu TBHDP-240” của Công ty Cổ phần thiết bị điện TKV. Giải nhất trong lĩnh vực Nông – lâm – ngư nghiệp và tài nguyên môi trường thuộc về giải pháp “Lai tạo, chọn lọc và phát triển giống sắn KM140” của nhóm tác giả do Thạc sỹ Trần Công Khanh làm chủ nhiệm đề tài.
Giải pháp “Tận dụng nhiệt khí thải lò nung thanh lăn cho việc đốt nhiên liệu sấy phẩm mộc trong lò sấy 4 tầng” của nhóm tác giả Công ty Cổ phần Viglacera (Hạ Long, Quảng Ninh) được nhận giải nhất trong lĩnh vực Vật liệu – hoá chất – năng lượng, bên cạnh giải thưởng WIPO vừa được trao.
Giải nhất trong lĩnh vực Cơ khí – Xây dựng – Giao thông vận tải được trao cho giải pháp “Hoàn thiện kỹ thuật máy gặt đập liên hợp” của tác giả Nguyễn Hồng Thiện (Cái Bè, Tiền Giang). Trong lĩnh vực Y dược, giải nhất thuộc về giải pháp “Sáng chế dụng cụ mở khí quản khẩn cấp TC-08” của Bệnh viện Quân y 103, do PGS.TS Đỗ Tất Cường làm chủ nhiệm đề tài.
Lĩnh vực Giáo dục đào tạo và các lĩnh vực khác có một giải nhất được trao cho giải pháp “Tìm hiểu tập quán sinh sống các loài chuột, bẫy bán nguyệt diệt chuột không cần mồi hiệu quả” của tác giả Trần Quang Thiều (Thường Tín, Hà Nội).
Theo đánh giá chung của các thành viên Ban tổ chức, các giải pháp công nghệ được trao giải thưởng lần này đã tiết kiệm 500 tỷ đồng và đem lại việc làm cho hàng nghìn lao động, cải thiện môi trường sống cho nhiều vùng, miền của đất nước.
VIFOTEC là Giải thưởng của cuộc thi do Bộ Khoa học Công nghệ, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) và Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) phối hợp tổ chức định kỳ hàng năm.
Tiến Nguyên (Theo Dantri)
Bình luận (0)