Về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh năm 2011 vẫn sẽ giống như các năm trước với hình thức ba chung (chung đề, chung đợt, chung điểm) theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ở một số đơn vị, kỳ tuyển sinh năm nay sẽ được tổ chức gọn nhẹ hơn đồng thời cũng nới rộng thêm cơ hội cho thí sinh.
Ngày 24-12, tại Hội nghị thường niên ĐHQG TP.HCM năm 2010, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) nêu: Ở hệ ĐH, kỳ tuyển sinh năm nay, ĐHQG TP.HCM cũng sẽ mở thêm một số ngành mới như: kinh tế xây dựng (Trường ĐH Quốc tế), ngữ văn Ý (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) và kinh doanh quốc tế (Trường ĐH Kinh tế – Luật). Thuận lợi lớn không chỉ cho thí sinh mà còn cho các trường là năm nay ĐHQG dự kiến lấy mức điểm chuẩn chung cho các nhóm ngành trùng nhau cùng được đào tạo trong các trường thành viên. Và như vậy, với cùng một kết quả thi, thí sinh nếu không có nguyện vọng học ở trường này thì có thể có cơ hội học cùng ngành đó tại một trường khác chung hệ thống.
Đây cũng là năm đầu tiên các trường thành viên dự kiến sẽ thực hiện thí điểm việc xét tuyển thẳng học sinh giỏi trường phổ thông năng khiếu vào một số ngành cơ bản, công nghệ thông tin và hệ thống thông tin quản lý. Và như vậy, ĐHQG TP.HCM không chỉ chủ động trong việc kiếm được nguồn thí sinh “chất lượng cao” mà còn tạo được sự “ưu ái” nhất định cho thí sinh “xuất thân” từ tuyến trường trên. Tuy nhiên, nhằm phân bố đều cơ hội cho những thí sinh khác, ĐHQG TP.HCM chủ trương chỉ xét tuyển thẳng không quá 10% trong tổng chỉ tiêu chung.
Nếu như năm trước, chỉ riêng ĐH Bách khoa thực hiện và đã khá thành công với phương án mở “nguyện vọng kép” (nguyện vọng 1B) cho thí sinh, thực chất là tạo điều kiện để các em được chuyển ngành trong cùng khối thi khi đạt đủ điểm chuẩn ngành muốn chuyển thì năm nay phương án này sẽ được áp dụng rộng hơn tại hầu hết các trường thành viên. Với khối lượng chỉ tiêu tuyển sinh được giao hằng năm khá lớn, những cải tiến ban đầu này sẽ không chỉ giúp cho ĐHQG TP.HCM mà còn giúp xã hội giảm bớt áp lực tại các kỳ tuyển sinh…
TS. Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho biết nét mới ở bậc đào tạo trình độ tiến sĩ năm nay, ĐHQG TP.HCM sẽ áp dụng hình thức xét tuyển thay vì tổ chức thi đầu vào như những năm trước. Hình thức này mang lại tính hiệu quả cao cũng như hạn chế được tốn kém. Tại ĐHQG TP.HCM, chỉ tiêu dành cho đào tạo tiến sĩ các năm qua đều tăng (tăng đến 43% trong vòng 5 năm qua) tuy nhiên vẫn chưa tạo được sức hút đối với người học và lại phân bố không đồng đều. Khối ngành kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn luôn ổn định đầu vào trong khi các khối ngành kỹ thuật công nghệ và khoa học tự nhiên thường thiếu. Theo TS. Nghĩa, nguyên nhân do chương trình đào tạo trong nước thiếu tính cạnh tranh, kinh phí eo hẹp, nghiên cứu sinh phải vừa làm vừa học nên thiếu sự toàn tâm.
M.T
Bình luận (0)