Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa qua các cột mốc lịch sử: Kỳ 4: Người Tây phương khẳng định: Biển Đông, Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Từ khi Việt Nam giành được quyền tự chủ (938), chính quyền và tác giả Trung Hoa đã vẽ bản đồ nước ta cũng khá nhiều, song chủ yếu là phần đất liền. Về biển Đông và hải đảo Việt Nam, hiện tạm thấy có 3 bản đồ miêu tả khá rõ: 1) Bản đồ Giao Chỉ giới – Giao Chỉ dương trích từ sưu tập bản đồ Võ bị chí (1621); 2) Bản đồ diên cách Việt Nam Đông Đô – Việt Nam Tây Đô với Đông Dương đại hải của Ngụy Nguyên (1842); 3) Bản đồ An Nam quốc với Đông Nam hải cũng của Ngụy Nguyên (1842).
Năm 1492, Kha Luân Bố (Christophe Colomb) nhân danh Tây Ban Nha vượt Đại Tây Dương tìm đường sang Ấn Độ, không ngờ phát hiện ra Tân thế giới, tức châu Mỹ ngày nay.
Năm 1497, Vasco de Gama nhân danh Bồ Đào Nha phát kiến đường sang Ấn Độ đi qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi châu. Gama trở thành Phó vương của Ấn Độ. Nhà hàng hải Affonso de Albuquerque chiếm đóng Goa năm 1510, Malacca năm 1511. Tomé Pires viết sách Suma Oriental cho biết năm 1523 mới khám phá ra bể nước Giao Chỉ Chi Na (en 1523, les découvertes des côtes de la Cochinchine). Năm 1525, Diogo Ribeiro vẽ bản đồ nước ta với biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mang tên gọi là Pracel rồi sau đó thành Paracel. Từ đấy đến suốt thế kỷ XIX, các nước Tây phương thực hiện được nhiều bản đồ thế giới hoặc Đông Nam Á ghi tên nước ta là Giao Chỉ với cách phiên âm khác nhau tùy theo ngôn ngữ các dân tộc.
Địa danh Giao Chỉ được các nước Tây phương ghi thành Coli, Cau-chi, Cauci, Quachym, Cochin… Khi thấy bên Ấn Độ có xứ Coochin, các bản đồ Bồ Đào Nha ghi rõ hơn là Giao Chỉ giáp Tần (Trung Quốc) tức Cochinchina với các dạng khác nhau. China hay Chine đều bởi địa danh Tần (T’sin) mà ra. Như vậy, trước thế kỷ XVII, địa danh Cochinchine và các dạng tương tự là tên gọi toàn quốc Đại Việt. Cuối thế kỷ XVI, nước ta chia ra Đàng Trong và Đàng Ngoài, các bản đồ Tây phương ghi Đàng Trong là Cochinchina và Đàng Ngoài là Tunquin (Đông Kinh). Thời Pháp thuộc (1884-1945), Pháp gọi Bắc Kỳ là Tonkin, Trung Kỳ là An Nam, Nam Kỳ là Cochinchine. Nhiều sách địa lý lịch sử Tây phương đến cuối thế kỷ XIX vẫn gọi nhầm nước Việt Nam là Cochinchine (Giao Chỉ giáp Tần)!
Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM đã thu thập và nghiên cứu cả trăm bản đồ thế giới của các nước Tây phương thực hiện, hầu hết trong đó đều có ghi đất nước ta với các hải đảo Hoàng Sa – Trường Sa mà họ gọi tên chung là Paracel hay Pracel. Bờ biển Pracel (Costa da Pracel) là ở Trung bộ Việt Nam. Không một bản đồ nào ghi bờ biển Pracel ở Nam Trung Hoa hay ở Phi Luật Tân (Philippines), Indonesia hoặc Mã Lai (Malaysia). Thật hiển nhiên, khắp thế giới đều thừa nhận Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Những bản đồ cổ Tây phương các thế kỷ XVI, XVII, XVIII đều không gọi biển Đông là biển Trung Hoa hay Nam Trung Hoa (Mer de Chine, Mer du Sud de Chine). Có lẽ từ biển “Giao Chỉ giáp Tần – Trung Hoa) (Cochinchine), sau còn gọi là biển Trung Hoa, gây nên  nhiều hiểu nhầm đáng tiếc.
Linh Vy
 (Trích lược theo nhà nghiên cứu, GS. Nguyễn Đình Đầu) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)