Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Hành trình tìm kiếm hang động lớn nhất thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Hang Sơn Đoòng làm phong phú thêm giá trị của di sản thiên nhiên
thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng (Ảnh do đoàn thám hiểm công bố).

Anh là người phát hiện 12 hang động lớn nhỏ dọc tuyến hang Én, trong đó có hang động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới vừa được công bố. Ít ai biết, anh từng là lâm tặc!

Được đặt tên hang động 

Hồ Khanh sinh ra ở mảnh đất vốn ám ảnh mãi với đói nghèo bên sông Son. Năm 1986, trong chuyến đi đầu tiên Hồ Khanh may mắn tìm được trầm. Nhưng rồi mấy năm sau đó, mỗi năm đi mười hai chuyến, lùng sục mọi nẻo, anh chẳng tìm được chút trầm nào. Năm 1990, Hồ Khanh chuyển sang làm gỗ lậu, có đồng ra đồng vào nhưng nỗi lo sợ bị bắt cứ ám ảnh tâm trí anh.

Hồ Khanh nghĩ, không lẽ cuộc đời cứ lén lút phá rừng mãi? Trằn trọc nhiều đêm, cuối năm 1991, Hồ Khanh quyết định cất rìu, gác rựa.

Bỏ nghề lâm tặc, Hồ Khanh cần cù ở nhà lao động. Những năm 2000, nghe khu bảo tồn Phong Nha – Kẻ Bàng cần những thông tin về hang động từ người có kinh nghiệm đi rừng nên anh đã cung cấp thông tin cho chính quyền và ban quản lý khu bảo tồn. Bẵng đi một thời gian dài, năm 2006, Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh tìm gặp Hồ Khanh và nhờ anh dẫn đường.

Hồ Khanh nhận lời. Từ đó đến nay, anh và đoàn thám hiểm đã phát hiện ra 12 hang động mới tại Phong Nha – Kẻ Bàng. Howard Limbert, Trưởng đoàn thám hiểm cảm phục Hồ Khanh nên đã trao cho anh quyền được đặt tên 12 hang động ấy. Hồ Khanh xúc động nói: “Những cái hang do mình đặt tên đã được đoàn thám hiểm chấp nhận và công bố với toàn thế giới. Đó là niềm vui không gì bằng”.

Hành trình tìm kiếm Sơn Đoòng 

Hình ảnh mới nhất về hang Sơn Đoòng – được coi là hang động lớn nhất thế giới (Ảnh do đoàn thám hiểm công bố).

Hành trình đi tìm hang động lớn nhất thế giới khá ly kỳ. Năm 1991, trong một chuyến vào rừng Phong Nha – Kẻ Bàng tìm trầm, bất ngờ một cơn mưa ập đến, Hồ Khanh chạy nhanh vào một cửa hang gần đó trú mưa. Ngoài trời mưa tầm tã, đứng gió nhưng trong hang lại có tiếng gió rít liên hồi, anh sợ đến nổi gai ốc. Hồ Khanh nhớ lại: “Tò mò, tui vào sâu trong hang khoảng 100m thì thấy hang động rộng mênh mông, không thấy trần, không thấy vách đâu cả. Cả đời tui chưa hề gặp cái hang mô kỳ lạ như rứa”.

Năm 2006, trong một chuyến đi, Hồ Khanh bỗng nhớ lại và kể chuyện với Đoàn thám hiểm khiến mọi người nằng nặc đòi anh dẫn đi khám phá. Chuyến đi này mất hai tuần nhưng cả đoàn không sao tìm được hang động kỳ lạ đó, bù lại mọi người tìm thấy 3 hang mới. Chia tay nhau, đoàn thám hiểm hẹn năm 2007 trở lại. Đúng hẹn, cuối năm 2007 cả nhóm lên đường sang Việt Nam, tổ chức đi tìm hang động kỳ lạ theo lời kể của Hồ Khanh nhưng cuối cùng cũng chẳng tìm thấy. Rồi năm 2008, những nhà thám hiểm trở lại Phong Nha – Kẻ Bàng và cùng Hồ Khanh lên đường. Tìm kiếm mấy tháng trời giữa rừng nhưng họ cũng chỉ tìm ra những hang động mới khác, còn hang động như Hồ Khanh mô tả thì chẳng thấy đâu. Một lần nữa, đoàn thám hiểm lại trở về nước Anh mà không đạt được mục đích chính.

Hồ Khanh thầm nghĩ, các nhà thám hiểm hang động có thể sẽ nghi ngờ tính xác thực trong lời kể của anh vì nhiều lần cất công tìm kiếm vẫn không tìm thấy, rất dễ mất uy tín. Một ngày đầu năm 2009, Hồ Khanh cơm đùm cơm nắm một mình lên đường đi tìm hang động. Anh vừa đi, vừa tĩnh tâm nhớ lại từng chi tiết trong lần trú mưa của 18 năm về trước. Trời không phụ lòng người, đi được nửa ngày, Hồ Khanh phát hiện ra miệng hang, trước cửa hang năm cây gỗ quý cổ thụ, mỗi cây cao hơn 30m vẫn sừng sững án ngữ. Bước chân vào hang, Hồ Khanh cảm thấy như gặp lại người quen cũ, niềm vui căng tràn lồng ngực.

Về nhà, anh tìm cách liên lạc với đoàn thám hiểm. Nhận được thông tin, Howard Limbert dẫn đoàn trở lại. Họ hăm hở lên đường và lần này đã thành công mỹ mãn. Ngày 22-4-2009, đoàn thám hiểm đã chính thức công bố những hình ảnh, tư liệu về hang động Sơn Đoòng có một không hai, khiến hang động Deer (Malaysia) vốn được xem là lớn nhất thế giới giờ đây phải tụt hạng và nhường chỗ cho hang động do anh nông dân Hồ Khanh ở Quảng Bình phát hiện.

Đình Tứ
(SGGP-12G
 

Bình luận (0)