GS. Trịnh Xuân Thuận (ngồi giữa) giao lưu với sinh viên Trường ĐH FPT
|
Sinh ra ở Hà Nội, nhưng trưởng thành tại Mỹ. Sau gần 40 năm xa quê hương, lần thứ 3 ông trở về bằng một chuyến công tác kéo dài 20 ngày. Ông là một giáo sư nổi tiếng thế giới về thiên văn học. Dù rất bận với lịch làm việc kín đặc nhưng ông vẫn tranh thủ để dành thời gian truyền ngọn lửa thiên văn đến cho giới trẻ.
Tôi đã gặp ông trong buổi trò chuyện của ông với sinh viên Trường ĐH FPT về chủ đề Con người ở đâu trong vũ trụ? Ông chính là GS. Trịnh Xuân Thuận, một giáo sư nổi tiếng về thiên văn học trên toàn thế giới.
Cái vô hạn trong bàn tay
Sinh năm 1948 tại Hà Nội. Nhưng năm 6 tuổi, ông đã theo cha mẹ vào Nam sinh sống. Chính vì vậy, Hà Nội trong con mắt của cậu bé 6 tuổi chỉ là hồ Hoàn Kiếm lãng đãng sương, phố Hàng Ngang, Hàng Đào sầm uất. Trong tâm trí ông, Hà Nội chỉ còn có thế. Mọi con phố, mọi ấn tượng về Hà Nội của ông không còn nhiều. Nhưng có lẽ, điều còn lại trong ông chính là người mẹ. Ngay từ nhỏ ông đã chịu ảnh hưởng của đạo Phật của mẹ. Nhưng phải đến năm 1997, ông mới thực sự quan tâm đến đạo Phật khi gặp một nhà khoa học tên là Madrarica. Lúc đó, ông bắt đầu nghiên cứu về mối quan hệ giữa đạo Phật và khoa học, xem có mối quan hệ tương đồng nào không. Sau này, ông có viết một quyển sách chung với vị giáo sư này với tên gọi “Vô hạn trong lòng bàn tay”. Đến lúc này, ông mới thực sự nghiên cứu sâu về đạo Phật và khoa học với các góc nhìn khác nhau. Ông không muốn dùng đạo Phật để chứng minh khoa học hay khoa học để chứng minh đạo Phật. Điều ông quan tâm là dùng kiến thức của hai lĩnh vực này thì nhìn một sự vật, một hiện tượng sẽ phong phú, toàn diện hơn từ đó tìm ra bản chất, sự thật. Trong đạo Phật có triết lý nhân quả, cũng có triết lý “vô thủy – vô chung, hữu sinh – hữu diệt”, điều này, khi soi vào thiên văn học, ông thấy có nét tương đồng. Khoa học và Phật giáo vốn có những phương thức khác biệt rất cơ bản trong việc nghiên cứu thực tại. Một ví dụ được chứng minh rất khoa học: nếu chúng ta gây ô nhiễm, làm Trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu như hiện nay thì sẽ đến lúc con cháu chúng ta không còn chỗ để sinh sống. Hoặc có những điều vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng mà chỉ là lời đồn như người ta hay nói chuyện về năm 2012 là năm tận thế. Theo ông, đó là do tín ngưỡng chứ không phải khoa học. Thực tế, trong khoa học có câu chuyện ở một thời điểm nào đó các hành tinh sẽ trùng nhau trên một con đường thẳng, nhưng bao giờ xảy ra hiện tượng đó thì còn chưa ai chứng minh được. Trước đây, người ta cũng đã đồn thổi cho là năm 2000 là năm tận thế nhưng năm 2000 đã qua hơn chục năm rồi mà có thấy gì đâu. Song cũng câu chuyện này nhưng lại rất khoa học, ngày tận thế sẽ đến rất gần nếu chúng ta không bảo vệ Trái đất trước sự tấn công của chính con người. Nếu cứ theo đà phá hoại môi trường như thế này, chẳng cần đợi đến vài tỉ năm nữa các vì sao, mặt trời sẽ tắt mà con số đó chỉ tính bằng vài trăm năm nữa thôi. Nhân – quả theo ông chính là ở chỗ đó.
Và tình yêu bầu trời
Ông nói rằng ngay từ nhỏ, ông đã thích khám phá bầu trời. Mỗi lần ngước nhìn những vì sao trong đêm, hàng vạn câu hỏi lại nảy sinh trong đầu ông. Năm 1966, sau tú tài, ông rời Sài Gòn đi du học Thụy Sĩ, và sau đó được nhận một học bổng du học tại Hoa Kỳ. Ông đã theo học ngành vật lý thiên văn tại Học viện Kỹ thuật California (California Institute of Technology) từ 1967 đến 1970, và tại Đại học Princeton từ 1970 đến 1974. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton. Từ năm 1976, ông là giáo sư ngành này tại Đại học Virginia. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Đại học Paris VII (Université Paris VII – Diderot). Ông cũng là một trong số ít những nhà thiên văn học kiệt xuất trên thế giới được phép sử dụng kính viễn vọng hubble (là một kính viễn vọng của NASA, được đặt trong một quỹ đạo cách Trái đất khoảng 610km. Nó có thể thu nhận ánh sáng từ vật thể cách xa 12 tỉ năm ánh sáng).
Không quen thuộc với đa số người Việt Nam, nhưng đối với dư luận thế giới, GS. Trịnh Xuân Thuận là một tác gia “ăn khách” khi những tác phẩm về khoa học vũ trụ và thiên văn của ông rất được bạn đọc phổ thông yêu thích, một số cuốn được dịch ra 16 thứ tiếng. Không chỉ nổi tiếng trong giới học thuật với hơn 120 công trình đăng trên các tạp chí khoa học và kỷ yếu các hội nghị khoa học, GS. Trịnh Xuân Thuận còn có công trong việc đưa thiên văn học đến gần hơn với công chúng. Điều đặc biệt ở GS. Trịnh Xuân Thuận là ông nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh nhưng viết sách lại bằng tiếng Pháp, và lối hành văn của ông kết hợp cả sự chặt chẽ khoa học của tiếng Anh và tính duy mỹ của tiếng Pháp. Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Cao Xuân Hạo từng nhận xét về GS. Trịnh Xuân Thuận như “một nhà khoa học giàu mỹ cảm, có tư duy lô-gích của một nhà khoa học, nhà triết học và trí tưởng tượng của một nhà thơ sành sỏi thiên văn”. GS. Trịnh Xuân Thuận được giải thưởng Moron 2007 của Viện Hàn lâm Pháp. Năm 2009, ông được UNESCO trao giải thưởng Kalinga vì các đóng góp trong việc đại chúng hóa khoa học. Có điều đặc biệt về GS. Thuận đó là sau 40 năm nghiên cứu bầu trời ông mới bị “trúng tiếng sét ái tính” lần đầu tiên. Cách đây 3 năm, ông đã gặp gỡ và quen người bạn đời của mình. Bà là một giáo viên gốc Việt đang dạy toán, lý, hóa tại London. Sau khi lập gia đình với GS. Thuận, bà đã theo ông về Mỹ.
Câu chuyện về GS. Thuận không chỉ là chuyện tình yêu khoa học. Mà đích cuối cùng của khoa học là phục vụ con người. Ông mong muốn sẽ có những kính thiên văn được đặt lên mặt trăng để có thể nghiên cứu sâu hơn về vũ trụ. Từ năm 1969, con người đã đặt chân được lên mặt trăng. Nhưng đó chỉ để phục vụ mục đích chính trị. Chính vì vậy, thành quả đó chưa phát huy được trong khoa học, chưa phục vụ cho con người.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
GS. Trịnh Xuân Thuận đã cho ra mắt nhiều đầu sách có giá trị về vũ trụ học và mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo như: Giai điệu bí ẩn (1988), Big Bang và sau đó (1992), Hỗn độn và hài hòa (1998), Cái vô hạn trong lòng bàn tay (từ Big Bang đến giác ngộ), Những con đường của ánh sáng, Lượng tử và hoa sen (2004), năm nay, ông xuất bản cuốn Từ điển yêu thích bầu trời và vì sao. |
Bình luận (0)