Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Tân Đợi… đợi cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn qua bên khu 2, chỉ có một cách là bắt đò ở bến Tân Đợi

Nằm về phía tả ngạn bên dòng sông Vu Gia, hàng trăm hộ dân ở bốn thôn Tân Đợi, Đầu Gò, Tam Hiệp và Đồng Chàm (hay còn gọi là khu 2) bao đời nay vẫn mong mỏi một cây cầu để thuận lợi sản xuất, sinh hoạt, học hành và thông thương với thế giới bên ngoài…
Vượt chặng đường hơn 50 cây số từ TP.Đà Nẵng đến thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Từ đây men theo con đường nhựa trải dài ven sông Vu Gia, chúng tôi tìm về xã miền núi Đại Sơn. Con sông Vu Gia đoạn chảy qua Đại Sơn rộng tầm hơn 100m, chia cách xã này thành nhiều thôn. Khu 2 nằm phía bên kia sông. Cũng giống như bao miền quê khác nơi có những con sông vắt ngang dãy Trường Sơn đổ về biển cả ở miền Trung, chỉ có khác là người dân khu 2 muốn qua sông đến trung tâm xã không có cầu. Bến đò Tân Đợi cùng con thuyền cũ nát gắn bó với người dân hàng chục năm qua. “Mấy chục năm rồi, ngày nắng cũng như ngày mưa, người dân đi làm việc, trẻ con tới trường, thậm chí ốm đau cấp cứu cũng phải sang sông trên những chuyến đò chòng chành đầy may rủi này”, một bà lão tầm 75 tuổi cùng qua sông với chúng tôi ngồi cạnh mui thuyền phe phẩy chiếc nón, nói.
Thiếu thốn đủ thứ
Ông Tăng Tân Binh, Trưởng thôn Đồng Chàm tâm tư, ở chốn này thiếu nhiều thứ lắm. Nhìn đâu cũng thiếu. Không cầu, không nước sạch sinh hoạt, thiếu điện thắp sáng… Mỗi ngày người dân chỉ có điện thắp sáng từ 19 giờ đến 21 giờ đêm điện chạy bằng máy nổ, mỗi hộ chỉ được lắp đặt 1 bóng đèn thắp sáng nhưng do công suất điện yếu nên điện cũng phập phù bữa sáng, bữa không. Điểm tập trung đông đúc nhất ở thôn Đồng Chàm là giếng nước làng. Người ra vào với quang gánh, can nước tấp nập không ngớt. Ông Binh nói, làng không có nước sạch sinh hoạt, thời gian trở lại đây nắng hạn hoành hành nên phần lớn giếng khơi bị cạn trơ đáy chỉ còn lại mỗi cái giếng làng này có nước trong. Vì vậy bà con tranh thủ gánh về phục vụ việc nấu nướng, ăn uống. Ai đến chậm chân cũng chịu về không. “Mùa hè nào thôn ni cũng thiếu nước, năm ni còn thiếu nhiều hơn mọi năm”, những người dân gánh nước vội vã bỏ lại sau lưng lời than vãn để chạy cho kịp chuyến nước trưa. Cùng chung tình cảnh “khát” nước như thôn Đồng Chàm còn có 2 thôn Tam Hiệp và Đầu Gò liền kề nằm dưới sát chân núi. Tuy nhiên 2 thôn này nhờ tọa lạc gần các khe suối nên người dân đã tự động lắp đặt các ống dẫn nước dài hàng cây số dẫn nước về đến tận hộ gia đình.
Mong chờ một cây cầu

Ông Tăng Tân Binh, Trưởng thôn Đồng Chàm bên giếng nước cung ứng cho cả thôn

Thiếu nước, thiếu điện thắp sáng đã khổ. Việc sang sông tới trường hay ra ngoài càng khổ gấp bội. Ông Binh nói học sinh trong độ tuổi cắp sách đến trường sau khi học hết bậc tiểu học, nếu muốn học lên cấp 2 phải vượt sông đến trường trên những chuyến đò ngang qua trung tâm xã. Còn những em khi học lên cấp 3 phải rời xa gia đình vượt hàng chục cây số xuống thị trấn thuê nhà trọ học. “Mấy chục năm ni, từ thuở cha sinh mẹ đẻ bến Tân Đợi vẫn đợi cầu”, ông Binh trầm tư.
Theo chân những người dân sang sông ra bến Tân Đợi, một buổi sáng chúng tôi thấy có tầm 15 lượt đò qua về bến sông. Càng về giờ tan tầm lượng người qua sông càng đông. Những em học sinh quần xanh áo trắng xách dép, xắn quần. Những người phụ nữ tất tả quang gánh… Trên mỗi chuyến đò, người ta dễ nhận thấy một cuộc sống tất bật, nhọc nhằn của những người dân sống chốn ngăn sông cách chợ bởi đò giang. Càng thấu nỗi mong mỏi của người dân quanh năm bám rẫy mưu sinh, khắc khoải một ngày miền quê này có được cây cầu để thông thương với bên ngoài và hy vọng đây là lối thoát nghèo duy nhất. Chỉ tay về phía bên kia bến sông – nơi trung tâm xã tấp nập xa mã, ông Tăng Tân Binh ca cẩm: “Nay mai nếu có một cây cầu cuộc sống của người dân khu 2 hẳn sẽ đổi thay”. Niềm tin ấy hẳn có cơ sở bởi bằng chứng sau khi thôn Tam Hiệp được thành lập sáp nhập hai thôn Thác Cạn và Ba Tớt thành tên Tam Hiệp đã có những ngôi nhà mới khang trang mọc lên từ đề án xây dựng của huyện hỗ trợ giúp bà con có chỗ cư trú ổn định, an toàn trước các đợt thiên tai càn quét. Theo đó mỗi hộ dân được hỗ trợ 22 triệu đồng và cho vay vốn thêm 8 triệu đồng để cất nhà ở khu đất tái định cư, những thôn nằm trong diện “nhiều không” của xã đang được cộng đồng xã hội, chính quyền quan tâm tạo điều kiện để người dân vực dậy khó khăn, trỗi mình xây dựng phát triển kinh tế bền vững. Hẳn nhiên bao nhiêu sự hỗ trợ ấy vẫn cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực của chính mỗi người dân cũng như sự thông thương ra bên ngoài bằng một cây cầu vững chãi bắc ngang dòng Vu Gia để tạo điều kiện cho người dân có thể sử dụng các phương tiện cơ giới trong việc đi lại cũng như phát triển kinh tế.
Chia tay bà con khu 2 giữa chiều đầy nắng, nhìn vào ánh mắt đầy hi vọng của ông Tăng Tân Binh, tin rằng một ngày không xa khi trở lại với chốn “nhiều không” này, cuộc sống bà con nơi đây sẽ đổi khác, những đứa trẻ quần xanh áo trắng tới trường sẽ không còn phải xắn quần, xách dép hớt hải cho kịp những chuyến đò ngang chòng chành đầy may rủi, thay vào đó sẽ là những chiếc xe đạp bon bon qua cầu tới trường lớp. Và không ai khác, chính những mầm xanh tương lai ấy sẽ mang tri thức về làm đổi thay làng quê. Niềm hy vọng ấy không biết bao giờ sẽ thành hiện thực…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)