Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thị trường du học “rộng” nhưng còn nhiều… kẽ hở

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Học sinh được công ty tư vấn về du học tại hội thảo do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức

Trong quá trình đất nước hội nhập kinh tế thế giới, xây dựng nền kinh tế theo hướng thị trường đòi hỏi một nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý… Vì vậy, ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn con đường đi du học, từ đó các công ty tư vấn du học (CTTVDH) cứ thế mà xuất hiện ngày càng nhiều.
Vậy làm thế nào để du học sinh (DHS) nắm bắt chính xác về thông tin chọn ngành, nghề, nơi dự định đến học… phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của bản thân, gia đình? Đồng thời những kinh nghiệm, kỹ năng nào giúp các DHS có thể tiếp nhận tốt nhất những kiến thức, kỹ thuật hiện đại của các nước có nền giáo dục tiên tiến để trở về phục vụ quê hương? Làm cách nào để DHS và phụ huynh nhận biết được đâu là những CTTVDH “ma”? Những câu hỏi được đặt ra và cũng là định hướng cho DHS mà ThS. Tạ Văn Doanh, Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM đã nhấn mạnh trong buổi hội thảo “Du học – nối nhịp cầu tri thức”, do Báo Giáo Dục TP.HCM vừa tổ chức.
Du học nước ngoài còn nhiều vấn đề bất cập
Nhân lực có trình độ cao, đối với TP.HCM là yêu cầu rất lớn. Dự kiến trong giai đoạn 2011-2015, mỗi năm TP có nhu cầu bình quân 280.000 chỗ làm việc. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong nước và du học nước ngoài còn nhiều bất cập. Chính sách và cơ chế quản lý của Nhà nước để tạo động lực phát triển, nhất là đối với những em HS giỏi, hoàn cảnh khó khăn; thông tin về các chương trình, trường đào tạo ở nước ngoài; hạn chế các thông tin sai lệch về các trường đào tạo kém chất lượng; xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát bằng cấp… Đó là những trăn trở của ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM đã trao đổi trong buổi hội thảo. Trăn trở với vấn đề nhập nhằng trong du học, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu nhấn mạnh: “Chưa bao giờ cơ hội du học lại mở rộng đối với các bạn trẻ Việt Nam như hiện nay. Tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng… gần như tuần nào, tháng nào cũng có những thông báo về học bổng và thông tin du học. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, việc xuất hiện ngày càng nhiều các công ty, tổ chức tư vấn du học cũng báo hiệu những vấn đề đáng quan tâm”. Cảnh báo của ông Thu hoàn toàn có cơ sở, vì cách đây không lâu, khi việc quản lý hoạt động tư vấn du học còn trực thuộc Bộ GD-ĐT, để có được giấy phép hoạt động này là rất khó. Còn hiện nay, khi Luật Doanh nghiệp ra đời, các công ty có quyền đăng ký kinh doanh ở lĩnh vực này với Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh, thành nên mỗi năm, hàng trăm đơn vị tư vấn du học đã ra đời mà không phải đáp ứng bất kỳ một sự kiểm tra hoặc giám sát nào về chất lượng. Sự dễ dãi quá mức trong việc quản lý tư vấn du học đã sinh ra những công ty “lừa” và không ít DHS đã bị rơi vào cảnh “đem con bỏ chợ”, bị gửi đến các trường không như mong muốn, hoặc ra nước ngoài rồi bị trả về chỉ vì hồ sơ không hợp lệ…
Đi du học cần chuẩn bị gì?
GS-TS Vũ Gia Hiền – Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Âu Việt, bình luận: “Bức tranh du học tự túc đang là thách đố với Nhà nước, các gia đình và người muốn du học. Giáo dục đang là thị trường kinh tế thu hút đầu tư cá nhân, từ các nước còn có nền khoa học công nghệ chưa phát triển. Hiện nay du học chủ yếu được quảng bá, thu hút các ngành dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thương mại toàn cầu, nhất là từ khi WTO ra đời. Vì vậy, việc du học đang đặt ra nhiều câu hỏi: du học để làm gì?”. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu cho rằng, mọi kiến nghị về mặt quản lý để lành mạnh hóa thị trường tư vấn du học nhằm bảo vệ người đi học là rất khó, người muốn du học trước hết phải biết tự bảo vệ mình. “Tự bảo vệ mình” không khó, vì theo ông Thu, “Nếu muốn du học, các bạn trẻ hãy năng động và thực hiện nguyên tắc “không cần tư vấn mà vẫn du học được”. Có thể tìm hiểu thông tin trên internet, hoặc trực tiếp đến lãnh sự của các nước mình muốn du học để được cung cấp thông tin một cách chính xác. Theo phân tích của các chuyên gia, lý do để các bạn trẻ đi du học hiện rất đa dạng: vì mong muốn thực sự của bản thân và xã hội; muốn sau khi du học về sẽ có công việc tốt hơn, lương cao hơn; vì bị gia đình ép buộc; vì để thỏa mãn sự “oai” của bản thân và cha mẹ… Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu lưu ý: “Ngoài chuyện đảm bảo về tài chính, khả năng tiếng Anh, năng lực học tập… thì hành trang quan trọng nhất đối với các bạn trẻ có ý định du học là phải có ý chí muốn du học thực sự”. Ông Thu lưu ý: “Sự siêng năng của sinh viên Việt Nam là một ưu thế, nhưng sinh viên Việt Nam còn thiếu rất nhiều thứ như sự hòa đồng, tinh thần kỷ luật, kỹ năng và sự sẵn sàng tham gia vào mọi công tác xã hội, sự mạnh dạn – tự tin và cả thiếu ước mơ”.

Bài, ảnh: Quang Huy

Về tình trạng “thật, giả” lẫn lộn trên thị trường tư vấn du học, ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – nói: “Có nhiều thông tin mà ngay như tôi cũng không thể thẩm định được, đừng nói gì là các em HS”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)