Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Loay hoay giải bài toán tuyển sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Thừa thầy, thiếu thợ đó là một bất cập lớn trong đào tạo nguồn nhân lực của nước ta. Căn nguyên của tồn tại trên là do định kiến xã hội còn quá nặng nề về bằng cấp. Cả xã hội “chạy đua” vào đại học, mà vô tình lãng quên nhiều con đường khác có thể lựa chọn nên mới có tình trạng các trường nghề phải loay hoay tìm giải pháp tuyển đủ chỉ tiêu.
Tắc ngay từ đầu vào
Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có 1.375 cơ sở dạy nghề (cả công lập và tư thục). Trong đó có 128 trường cao đẳng nghề, 309 trường trung cấp nghề, 906 trung tâm dạy nghề và 31 trường công nhân-kỹ thuật. Năm 2011, nhiệm vụ tuyển sinh toàn ngành dạy nghề là 1.860.000 học viên (tăng 6,4% so với kế hoạch năm 2010). Trong đó, số lượng tuyển sinh trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 420.000 người, tăng 17% so với năm 2010 (thí điểm tổ chức đào tạo nghề chất lượng cao cho 500 sinh viên cao đẳng nghề theo chương trình đào tạo tiên tiến của các nước phát triển trong khu vực và thế giới).
Một giờ lên lớp tại Trường Cao đẳng nghề số 3 (Bộ Quốc phòng).
Để hoàn thành kế hoạch tuyển sinh năm 2011, hệ thống các trường nghề trong cả nước đã tích cực chuẩn bị, tập trung mọi nguồn lực để thu hút thí sinh trước thềm năm học mới. Mặc dù vậy, các trường đang phải đối mặt với khó khăn là làm gì để tuyển đủ chỉ tiêu. Những câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" của ngành giáo dục vẫn cứ tiếp diễn khiến các trường nghề phải loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán tuyển sinh.
Ví dụ, bước vào mùa tuyển sinh năm 2011, Trường Cao đẳng nghề Thương mại và Công nghiệp (có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương) đã thành lập những tổ công tác xuống tận các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để làm công tác tư vấn học nghề, tuyên truyền cho các bậc phụ huynh hiểu rõ về chủ trương phân luồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng xem ra công tác tuyển sinh năm nay khó có thể đạt được những kết quả như mong đợi. Thầy Chu Duy Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện nay, Ban giám hiệu nhà trường đã tích cực áp dụng  biện pháp tuyên truyền, nhưng vẫn “khát” học viên. Các lớp đào tạo liên tục tuyển sinh quanh năm, cứ có đủ số lượng học viên là khai giảng chứ không nhất thiết phải vào dịp kết thúc năm học”. 
Không chỉ riêng Trường Cao đẳng nghề Thương mại và Công nghiệp Hải Dương mà hầu hết các trường dạy nghề khác trong cả nước cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Cần tạo ra những hướng đi riêng
Ở nước ta, mạng lưới các cơ sở dạy nghề quá dày đặc, nhiều ngành học trùng lặp nhau nên khó tuyển sinh là điều không thể tránh khỏi. Để giải được bài toán tuyển sinh đòi hỏi mỗi cơ sở dạy nghề cần phải tự tạo ra cho mình một hướng đi riêng.
Trong khi phần đông các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề đang loay hoay và khá vất vả trong công tác tuyển sinh, thì vẫn có một số trường có số lượng học viên không ngừng tăng lên hằng năm. Trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội với quy mô đào tạo khoảng 17.000 học viên/ năm và Trường Cao đẳng nghề số 3 (Bộ Quốc phòng) vẫn duy trì đều số lượng ổn định từ 10.000 đến 12.000 học viên/năm, là những minh chứng có sức thuyết phục cho thành công của việc tìm ra những hướng đi mới.
Đại tá Lê Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 3 (Bộ Quốc phòng) chia sẻ về bí quyết thu hút thí sinh của nhà trường: “Trường Cao đẳng nghề số 3 hấp dẫn học viên bằng việc khẳng định chất lượng đào tạo, có kế hoạch đào tạo các ngành nghề phục vụ nhu cầu lao động của xã hội và tỷ lệ học viên tốt nghiệp ra trường có việc làm cao. Với phương châm đào tạo cái người lao động cần, chứ không đào tạo cái mình có và gắn đào tạo nghề với sản xuất, trong những năm qua nhà trường đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để tiếp nhận sinh viên thực hành tại đơn vị. Mỗi sinh viên hệ cao đẳng có ít nhất 6 tháng thực tập tại các cơ sở sản xuất (còn hệ trung cấp là 4 tháng). Hiện nay, Trường Cao đẳng nghề số 3 đã ký được 10 hợp đồng đào tạo theo địa chỉ. Năm 2010, ngay sau khi nhà trường tổ chức bế giảng khóa đầu tiên đã có 7 doanh nghiệp ký hợp đồng tiếp nhận sinh viên về làm việc. Trung bình khoảng 85 đến 90% học viên của trường sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay. Tỷ lệ học viên có các nghề hàn và xây dựng có việc làm tới 100%. Bên cạnh đó, trường còn tích cực tham gia đào tạo xuất khẩu lao động với hàng trăm học viên/năm, chủ yếu là bộ đội xuất ngũ và các đối tượng chính sách có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài như Hàn Quốc, UEA. Số lao động nhà trường đào tạo xuất khẩu ra nước ngoài đều có việc làm ổn định, thu nhập cao, chất lượng lao động tốt, chấp hành kỷ luật nghiêm, được các đối tác nước ngoài đánh giá cao…”.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, để giải bài toán tuyển sinh, mỗi cơ sở dạy nghề cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề nhằm thay đổi nhận thức về tâm lý trọng thầy, không trọng thợ vốn là “căn bệnh nan y” đang tạo áp lực đè nặng trên vai toàn xã hội. Ngoài ra, mỗi trường đều phải tự tạo cho mình một chỗ đứng, một “thương hiệu” riêng để những mùa tuyển sinh tiếp theo không phải loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán thiếu chỉ tiêu như hiện nay.
 

Theo Nguyễn Bảo Hà
(QĐND)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)