SV học tiếng Hàn tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức
|
Tạo điều kiện cho học sinh – sinh viên (HS-SV) thực hành thực tế tại doanh nghiệp hay liên kết chương trình đào tạo với các trường nghề ở nước ngoài là việc làm thường xuyên hiện nay của các trường TCCN, CĐ nghề tại TP.HCM.
Điều này tạo rất nhiều thuận lợi cho HS-SV khi ra trường, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động đang có nhiều biến động.
Kết nối doanh nghiệp
Hiện nay, hầu hết các trường nghề tại TP.HCM đều liên kết với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học viên thực hành; nhiều em khi đến thực hành xong các doanh nghiệp đã giữ lại làm việc nên tỷ lệ thất nghiệp của học viên ở trường nghề là rất ít.
Bà Dương Thị Kim Phượng (cán bộ tư vấn tuyển sinh Trường TC Nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng) cho biết: “Trường TC Nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM nên có khá nhiều điều kiện thuận lợi để kết nối với doanh nghiệp đào tạo cho HS thực hành thực nghiệm, giúp các em nâng cao tay nghề. Tất cả HS ở trường đều được tham gia kiến tập ở các doanh nghiệp, nhiều em còn được doanh nghiệp nhận làm thời vụ để vừa có thời gian đi học, vừa có thời gian đi làm kiếm thêm thu nhập. So với SV các trường ĐH, CĐ thì HS trường nghề cũng được đánh giá rất cao, đặc biệt là HS ngành công nghiệp điện”.
Trong khi đó, tại Trường TC Mai Linh, HS được thực hành ngay tại các xưởng sửa chữa, lắp ráp của Tập đoàn Mai Linh nên các em có điều kiện thực tế tại chỗ. “Các xưởng sửa chữa của Tập đoàn Mai Linh được cập nhật liên tục các công nghệ hiện đại nên khi học xong, HS có thể đi làm ngay”, ông Trần Trung Chính, Phó hiệu trưởng Trường TC Mai Linh, chia sẻ.
Một trong những trường có thế mạnh trong đào tạo gắn với doanh nghiệp nhiều năm nay là Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức. TS. Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, trường không chỉ gắn kết với doanh nghiệp trong điều kiện cho sinh viên thực hành thực tế và phát triển chương trình đào tạo mà còn ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ với nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Long Hậu, Công ty Intel Products Việt Nam, Công ty cổ phần IPL… Ngoài ra, hàng năm nhà trường còn tổ chức “Ngày hội thanh niên với nghề nghiệp” có sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh/thành lân cận. Tại ngày hội này, HS-SV của trường có điều kiện tiếp xúc với doanh nghiệp, hiểu được nhu cầu tuyển dụng của họ để có động cơ động lực đúng đắn trong học tập, nâng cao kỹ năng tay nghề”.
Cơ hội việc làm cao
Do đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp nên sau khi tốt nghiệp, thay vì phải vất vả chạy ngược chạy xuôi kiếm việc làm hay làm trái nghề như nhiều SV theo học các trường ĐH, các HS-SV trường nghề lại được doanh nghiệp trải thảm chào đón với mức lương ổn định.
Bà Dương Thị Kim Phượng cho hay: 70% HS Trường TC Nghề Kỹ thuật Nghiệp vụ Tôn Đức Thắng sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp mà các em đã từng thực tập nhận vào làm việc, những HS khác cũng có việc làm với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng. Tương tự, Trường TC Nghề Mai Linh không chỉ tự cung ứng nguồn lao động cho tập đoàn trong các nhà xưởng mà còn cung cấp cho các doanh nghiệp khác, hầu hết các em đều phát huy tốt khả năng của mình ở các doanh nghiệp, đặc biệt là cơ khí – ngành thế mạnh của trường.
Còn tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, khi hợp tác với các doanh nghiệp, lãnh đạo nhà trường đã xây dựng các phòng mô phỏng hoạt động nghiệp vụ tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh… để HS-SV làm quen với môi trường doanh nghiệp. Vì vậy, các em có nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình thử việc tại doanh nghiệp bởi đã thích nghi với công việc chuyên môn.
Không chỉ liên kết với doanh nghiệp trong nước, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức còn liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để tạo điều kiện cho HS-SV thực tập tại các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến. TS. Nguyễn Toàn phấn khởi cho biết: “Nhà trường đã hợp tác với Tập đoàn Preesia House của Nhật Bản để đào tạo thực tập sinh ngành cơ khí và xây dựng công trình. Thời gian qua nhà trường đã đưa hơn 400 SV tham gia thực tập kỹ năng trong 3 năm tại Nhật Bản. Nhà trường còn liên kết với Trường ĐH Yeungnam của Hàn Quốc để sau khi tốt nghiệp SV của trường có thể tham gia học tiếp tại Hàn Quốc để lấy bằng ĐH… Ngoài ra, nhà trường còn triển khai đào tạo hai ngành cơ điện tử và công nghệ thông tin đa phương tiện với chương trình do Trường Singapore Polytechnic chuyển giao trọn gói, góp phần rút ngắn khoảng cách đào tạo giữa nhà trường và khu vực. Với việc hợp tác này, SV của trường không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước mà kể cả các nước phát triển trong khu vực và ngoài khu vực, các em cũng làm tốt”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Bình luận (0)