Sự kiện giáo dụcTin tức

Đào tạo giáo viên THPT và TCCN: Nặng lý thuyết, nhẹ thực hành

Tạp Chí Giáo Dục

Các thầy cô giáo, học sinh xem thiết bị phục vụ cho tiết dạy thực hành ở trường THPT tại triển lãm TBGD

Theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT, tổng thời gian dành cho kiến thức sư phạm đối với đào tạo giáo viên sư phạm chỉ chiếm từ 16-18% trong khi đó kiến thức đại cương lại chiếm tới 38%. Con số này theo nhiều chuyên gia là không hợp lý, đặc biệt khi so sánh với một số nước trên thế giới. Tại hội thảo thu hoạch và tổng kết về mô hình đào tạo giáo viên THPT và TCCN trong bối cảnh hội nhập quốc tế được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 28-11, các đại biểu đã mổ xẻ cụ thể vấn đề này.
1% thực tập sư phạm
Theo PGS.TS Bùi Văn Nghị, nhóm chuyên gia trong nước của Dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN, Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước có 13 trường đại học sư phạm (ĐHSP), 15 khoa SP trong các trường ĐH đào tạo giáo viên THPT. Về cấu trúc chương trình đào tạo được Bộ GD-ĐT quy định cụ thể gồm: khối lượng kiến thức chung cho cả khóa đào tạo của tất cả các ngành học là 210 đơn vị học trình. Tuy nhiên, PGS. Bùi Văn Nghị cho rằng qua quá trình nghiên cứu, khảo sát cấu trúc chương trình đào tạo của một số nước trên thế giới, nhóm nghiên cứu của ông nhận thấy, chương trình khung giáo dục ĐH khối ngành sư phạm của Việt Nam hiện nay có 3 tồn tại cần khắc phục. Thứ nhất đó là tỷ lệ thời gian đào tạo dành cho các khối kiến thức chưa hợp lý. Tổng thời gian dành cho kiến thức sư phạm chỉ có 33-36 đơn vị học trình (ĐVHT), chiếm từ 16-18%. Trong đó, thực tập sư phạm chỉ chiếm 10 ĐVHT/210 ĐVHT. Còn kiến thức đại cương chiếm tới 38% thời lượng. Ông đề xuất nên tăng thời lượng cho kiến thức giáo dục nghề nghiệp lên 20%. Thứ hai đó là mọi ngành cùng chung một khối kiến thức giáo dục đại cương là bất hợp lý. Thực tế cho thấy, tất cả 14 ngành sư phạm đào tạo giáo viên THPT đều có các môn đại cương như nhau. PGS. Bùi Văn Nghị cho rằng trong khung chương trình ngành tin học không nên có học phần tin học ở phần đại cương, trong khung chương trình ngành tâm lý – giáo dục không nên có các học phần về tâm lý học… Bộ nên quy định 50% kiến thức giáo dục đại cương bắt buộc còn 50% còn lại do các cơ sở đào tạo xây dựng trên cơ sở định hướng của chương trình khung. Thứ ba là chương trình chưa phù hợp với từng trường. Đối với thời gian thực tập của các sinh viên cũng rất ít. Chỉ có 8-10 tuần đi thực tập và cũng chỉ giới hạn ở một số tiết nhất định tại trường phổ thông.
Đối với chương trình đào tạo giáo viên TCCN, ThS. Nguyễn Xuân Bảo, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng đưa ra nhiều bất hợp lý. Cấu trúc chương trình khung của các trường ĐHSP kỹ thuật được chia thành 40% đào tạo đại cương, 60% dành cho giáo dục nghề nghiệp (trong đó chỉ có 27,4% là kiến thức ngành). Từ chương trình khung này, mỗi trường lại có những quy định khác nhau. Ở ĐH Bách khoa Đà Nẵng, thời gian sinh viên thực tập SP chỉ chiếm 1%, cơ sở ngành chiếm 15%, chuyên ngành 40% nhưng đại cương chiếm tới 35%. ĐHSP kỹ thuật TP.HCM đại cương lên đến 42,5%. Trong 57,5% dành cho giáo dục nghề nghiệp thì các môn sư phạm chỉ chiếm 9,2%. Đánh giá của ThS. Nguyễn Xuân Bảo và nhóm nghiên cứu cho thấy chất lượng đào tạo TCCN hiện nay kiến thức còn lạc hậu, người học tốt nghiệp thiếu kỹ năng mềm, chương trình đào tạo lạc hậu. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho hay hiện các trường SP không bước đồng hành cùng các trường phổ thông. Nhiều trường vừa đào tạo SP vừa đào tạo ngoài SP nên dẫn đến tình trạng đào tạo SP ít được chú ý, chỉ nặng lý thuyết, không có thực hành. Còn đội ngũ giáo viên các trường TCCN xuất phát từ các trường ĐH nên vừa thiếu kỹ năng SP vừa thiếu kỹ năng thực hành. Thứ trưởng cũng thừa nhận hiện nay đào tạo giáo viên đang nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành.
Mô hình nào để đào tạo giáo viên THPT và TCCN

Giáo viên Trường TC Kỹ thuật Nam Sài Gòn đang trình bày tiết dạy

Trong 3 tháng (từ tháng 9-11) vừa qua, Dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN đã tổ chức 8 hội thảo về mô hình đào tạo giáo viên THPT và TCCN của 8 nước trên thế giới (Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức). Theo ông Vũ Quốc Chung, Giám đốc dự án, mỗi mô hình có những ưu điểm và hạn chế riêng. Việt Nam chỉ có thể học tập và áp dụng một cách linh hoạt, không rập khuôn theo mô hình cụ thể nào. Đối với đào tạo giáo viên THPT, PGS.TS Bùi Văn Nghị đề xuất nên duy trì những loại trường như hiện nay đồng thời triển khai thí điểm loại trường ĐH đào tạo cơ bản (3 năm) + đào tạo lấy chứng chỉ nghề dạy học (1 hoặc 2 năm). Hiện nay, ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội đã áp dụng mô hình đào tạo mới 3+1 hoặc 4+1 (trong đó 3 hoặc 4 năm đào tạo kiến thức cơ bản tại các trường ĐH thành viên ĐHQG và 1 năm đào tạo kiến thức nghiệp vụ sư phạm. PGS. Nghị cũng kiến nghị tổng thời gian thực hành SP tại các cơ sở đào tạo hoặc tại trường phổ thông trong thời gian đào tạo là 3 tháng, thời gian thực tập SP là 1 năm (tính vào thời gian tập sự).
Đối với đào tạo giáo viên TCCN, ThS. Nguyễn Xuân Bảo cùng nhóm nghiên cứu của ông đưa ra 5 mô hình: đào tạo song song tại các trường ĐH SPKT hoặc khoa SPKT (thời gian đào tạo là 4 năm rưỡi); đào tạo nối tiếp tại các trường ĐH SPKT hoặc khoa SPKT của các trường ĐH chuyên ngành (mô hình này được đánh giá là khả thi nhất và hiện nay có tới 80% giáo viên TCCN xuất phát từ mô hình này); đào tạo hỗn hợp tại các trường ĐH SPKT; liên thông và công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề cao; đào tạo giáo viên TCCN có trình độ thạc sĩ phương pháp dạy học chuyên ngành (mô hình này được đánh giá là hợp lý).
Hội thảo lần này là lần cuối cùng Bộ GD-ĐT tập hợp ý kiến để đưa ra quyết định cuối cùng về mô hình đào tạo giáo viên THPT và TCCN. Trong tương lai không xa, những cỗ máy “cái” sẽ có một mô hình đào tạo mới, hợp lý và hiện đại tiếp cận với thế giới gần hơn.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)