Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hãy xem học sinh là… con mình

Tạp Chí Giáo Dục

1. Hiện nay, hai luồng ý kiến trái chiều là có nên đánh phạt học sinh bằng roi hay không được phép phạt học sinh như vậy vẫn tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, với cá nhân, tôi đã mạnh dạn từ bỏ đòn roi để phạt học sinh; tôi như thức tỉnh trước những lời chia sẻ chân tình của thầy hiệu trưởng sau lần sai phạm vì đánh học sinh quá nặng. Tôi thấy mình dù có yêu thương học sinh đến mấy, muốn phạt học sinh để răn đe hành vi chưa phù hợp nhằm giúp các em nhanh chóng sửa sai, nhanh chóng hoàn thiện nhân cách nhưng vô tình đã xúc phạm thân thể, làm tổn thương về tâm lý, làm các em sợ sai hơn cố gắng làm tốt…


Giáo viên phải thay đổi cách ứng xử với những sai phạm của học sinh mà không cần dùng đòn roi (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa

Gần một năm trước, thầy hiệu trưởng gọi tôi lên phòng lãnh đạo nhà trường, thầy mời tôi ngồi rồi yêu cầu trình bày lại sự việc hôm đó (đánh học sinh) xem có đúng như phụ huynh phản ánh không. Tôi trình bày trùng khớp với những gì phụ huynh đã trao đổi với lãnh đạo nhà trường. Thầy hỏi tôi: “Em có con chưa?”. Tôi trả lời chưa. Nghe vậy, thầy nói: “Em chưa có con chắc em chưa hiểu được cảm giác xót xa của cha mẹ khi con mình bị đòn roi, dù sai dù đúng nhưng tình thương lấn át hành vi giáo dục trẻ bằng đòn roi. Kể cả trường hợp phụ huynh cho phép thầy cô dạy con họ bằng đòn roi vào mông thì trước khi giơ roi lên đánh phạt thì em hãy nghĩ tới việc “học sinh đó là con mình”, em sẽ cẩn thận hơn, sẽ không vì sự sai phạm của học sinh mà nhất thiết phạt roi; và dù phạt đòn roi thì em sẽ không làm học sinh của mình có cảm giác bị xúc phạm. Khi coi học sinh là con mình thì giơ roi trách phạt em sẽ có cách làm cho học sinh thấy đó là tình thương của mình để em ấy hoàn thiện bản thân chứ không phải bị phạt vì sai phạm đã gây ra”.

2. Chuyện giáo viên hay giám thị được sự đồng ý của phụ huynh để đánh phạt học sinh hay giáo viên dùng thước để sửa dạy học sinh vẫn còn rất nhiều. Cách mà thầy hiệu trưởng nói với tôi đã làm tôi thức tỉnh, dùng roi trách phạt học sinh khi được sự đồng ý của phụ huynh hay bản thân giáo viên thấy nên trách  phạt theo cách đó thì không quan trọng bằng việc trách phạt bằng tình thương của một “người cha, người mẹ” dành cho con cái. Nếu giáo viên đặt mình là “người cha, người mẹ” thì có cha mẹ nào dùng những hình phạt phản cảm mà mạng xã hội, báo chí phản ánh thời gian qua như tát học sinh, phạt uống nước giẻ lau bảng… Trước đây, tôi đã nhiều lần trách phạt học sinh bằng roi khi yêu cầu các em nằm lên bàn giám thị để đánh, khi đó tôi vẫn thiên về quan điểm được phép phạt học sinh bằng roi nếu được phụ huynh đồng ý, và giáo viên phải kiềm chế được hành vi nóng giận khi trách phạt; hay cụ thể hơn là kiểm soát được tình huống phạt lúc đang có nhiều yếu tố tác động. Không phải vì từng đánh học sinh, không phải bao biện cho việc dùng bạo lực trước đây mà tôi ủng hộ, nhưng đó cũng là một cách tôi thấy nhiều lúc mang lại hiệu quả trong việc giáo dục học sinh. Và, chúng ta thấy, nhiều trường hợp học sinh thủ sẵn dao đâm lại thầy cô, thầy phạt trò thì trò cũng chơi “tay đôi” với thầy, bạn bè trong lớp dùng bạo lực với nhau… là có gốc rễ từ việc giáo viên đánh phạt học sinh một cách công khai.

Tuy nhiên, nói theo ngôn ngữ của nhà giáo dục Montessori: áp đặt và bạo lực trong giáo dục là “Chúng ta dập tắt linh hồn của trẻ và cản trở sự phát triển tinh thần của nó”. Như vậy, thay vì giáo viên giúp học sinh trưởng thành, tự chủ… thì thầy cô biến các em thành những đứa trẻ thụ động, lệ thuộc, luôn sợ hãi. Phương pháp phạt nặng bằng roi “cho chừa cái sai” một cách nhẫn tâm sẽ phản tác dụng, trong Utopia – Địa đàng trần gian, Thomas More nói: “Để trừng phạt thì như vậy là quá khắt khe, mà tính răn đe thì lại hoàn toàn không có hiệu quả”. Những sai phạm trong học đường của học sinh là lẽ đương nhiên khi nhân cách các em chưa hoàn chỉnh. Nếu chúng ta quyết tâm “từ bỏ” hình phạt bằng roi thì một giáo viên có tâm sẽ tìm được cách thích hợp nào đó cho từng trường hợp cụ thể để giáo dục học sinh. Chúng ta đau đáu về sự phát triển nhân cách của học sinh thì chúng ta phải thay đổi cách ứng xử với những sai phạm của học sinh mà không cần dùng đòn roi.

Nguyễn Minh Thanh (TP.HCM)

Bình luận (0)