Sự kiện giáo dụcTin tức

Nhiều mục tiêu phải đạt được trong năm học mới

Tạp Chí Giáo Dục

Các đại biểu dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2011 – 2012 tại Đồng Tháp
Sáng 18-7, tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiệm vụ năm học 2011-2012 ở tất cả các bậc học…
95% trường thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới
Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: “Lưu ý lãnh đạo các địa phương cần phải có các biện pháp chỉ đạo quyết liệt, làm sao để năm học tới phải có ít nhất 95% trường thực hiện chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới, nâng tỉ lệ trẻ được ăn bán trú trong các cơ sở GDMN tại các địa phương tăng từ 3-5%, tỉ lệ trẻ được ăn bán trú bình quân cả nước là 85-90% với trẻ nhà trẻ và 75% đối với trẻ mẫu giáo; Dứt điểm tình trạng lớp mẫu giáo thực hiện chương trình 36 buổi, tăng đầu tư trang thiết bị CNTT, đảm bảo ít nhất 95% số trường được trang bị máy tính và kết nối internet, 70-75% cán bộ quản lý, GV có khả năng khai thác, sử dụng và ứng dụng CNTT vào giảng dạy; Tập trung sức lực, trí tuệ nhằm triển khai một cách có hiệu quả Quyết định 239, xây dựng và triển khai chương trình hành động của ngành thật tốt theo Nghị định 11 của Chính phủ; Đồng thời tích cực tháo gỡ những khó khăn trong công tác thực hiện phổ cập trẻ 5 tuổi, nhằm đưa GDMN phát triển bền vững hơn”. Bà Nghĩa cũng yêu cầu các tỉnh (có 13 tỉnh) chưa thực hiện việc chuyển đổi mô hình các loại trường tư thục sang công lập hay công lập sang tư thục cần phải nhanh chóng triển khai, đồng thời yêu cầu các địa phương cần phải cố gắng và quyết tâm hơn trong việc huy động trẻ ra trường. Việc dạy tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi ở các vùng miền có đông trẻ là các đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được đẩy mạnh. Các địa phương cần phải tích cực cố gắng huy động mọi nguồn lực để kiện toàn cơ sở vật chất, làm sao để đến năm 2015 tất cả các xã, phường, thị trấn trên cả nước phải có ít nhất một trường MN công lập.
Nâng cao chất lượng GDPT
Năm học 2011-2012 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong đó có mục tiêu đổi mới giáo dục toàn diện. Ở khối trung học, cả hệ phổ thông (PT) lẫn giáo dục thường xuyên (GDTX) vẫn phải tiếp tục công tác giáo dục phổ cập. Hiện nay trong cả nước còn 108 xã chưa phổ cập THCS là trách nhiệm của ngành GD. Cả nước có 50 tỉnh, thành đã phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, làm cơ sở cho công tác phổ cập trong thời gian tới. Cần phải rà soát lại cho kỹ để tiến hành phổ cập cho đúng thực chất. Đề cập đến việc chuẩn bị đề án dạy ngoại ngữ, hướng tới mục tiêu thay đổi căn bản chất lượng dạy và học ngoại ngữ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đặc biệt lưu ý về chương trình, SGK, đào tạo giáo viên (GV) đủ chuẩn, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, trong đó, GV phải đạt chuẩn, không vì cả nể mà cho GV kém chất lượng dạy chương trình mới…
GDCN chồng chéo nhau trong công tác quản lý
ThS. Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ GDTX khẳng định: Mục tiêu trọng tâm trong năm học tới ngoài việc nâng cao nhận thức cho mọi người về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, cần tập trung củng cố mô hình hoạt động của các trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng góp phần nâng cao dân trí phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, chất lượng cuộc sống; cần đa dạng hóa nội dung, chương trình và hình thức giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, thường xuyên, liên tục và suốt đời của mọi người…
Bàn về sự cản ngại trong việc phát triển giáo dục chuyên nghiệp (GDCN), ông Hoàng Hữu Niêm, Trưởng phòng GDCN, Sở GD-ĐT Hà Nội bức xúc: “Công tác quản lý nói chung và quản lý đào tạo nói riêng tại các trường TCCN tuy có tiến bộ, song còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân cơ bản là đội ngũ quản lý và GV của rất nhiều trường TCCN thiếu năng động, nhiều người tuổi cao, năng lực hạn chế, không thu hút được người giỏi do vướng cơ chế. Hiện nay, với việc cùng lúc có hai hệ thống song hành cùng đào tạo nghề nghiệp (TCN và TCCN) do hai cơ quan chủ quản khác nhau (Bộ LĐ-TB-XH và Bộ GD-ĐT) cùng quản lý khiến cho việc chỉ đạo, giám sát, thanh kiểm tra của các sở GD-ĐT gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là công tác kiểm tra về chỉ tiêu tuyển sinh của những trường này. Nhiều trường cơ sở vật chất tạm bợ, thuê mướn, Sở GD-ĐT không đồng ý với kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh của trường thì trường “chạy, xin” chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT. Vậy là họ tha hồ tuyển sinh! Xuống làm việc, các trường này “chưng” ra con dấu, tôi là trường thuộc Bộ GD-ĐT hoặc Bộ LĐ-TB-XH quản lý, chỉ tiêu tuyển sinh, hay trường tôi từ tỉnh khác đến mở văn phòng “giao dịch” là quyền của tôi, Sở GD-ĐT không được cản trở”. Do đó, để giải quyết được “căn bệnh” nan y này chỉ có cách: Thống nhất đầu mối quản lý hệ thống đào tạo trên địa bàn các tỉnh thành, trên cơ sở thực hiện Nghị định 115; Xây dựng quy hoạch, mạng lưới đào tạo thống nhất, phù hợp với từng thế mạnh của các địa phương; Đầu tư tập trung, toàn diện cho 2-3 trường TCCN ở các ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn; Thành lập cơ quan cung cấp thông tin, thực trạng nguồn nhân lực (vì chỉ có các tỉnh, thành mới đưa ra được chỉ tiêu năm nay những địa phương đó cần bao nhiêu lao động, ở những ngành nghề gì… chứ không phải “ép buộc, giao chỉ tiêu ở trên xuống”…
Đồng tình với quan điểm trên, ông Huỳnh Minh Trí, Trưởng phòng GDCN và Đại học, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết: GDCN không có một văn bản, nghị quyết rõ ràng nào của Trung ương, Chính phủ và các bộ, ban, ngành về phân cấp quản lý cũng như nêu bật được trách nhiệm quan trọng của Nhà nước và xã hội trong việc đào tạo nguồn nhân lực này. Vậy, việc “thầy” nhiều hơn “thợ” sẽ không bao giờ khắc phục được.
Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ GDCN thì, nhiệm vụ trọng tâm năm học tới mô hình nhà trường gắn với doanh nghiệp, cũng như đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, cải tiến trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Trong đó, cần chú ý công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tăng cường, huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, từ xã hội hóa giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học…
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Bình luận (0)