Trong khi nhiều người háo hức mong chờ ngày Tết để nghỉ ngơi, đoàn tụ cùng gia đình thì nhiều bạn khác không có Tết vì mắc thi lại, nợ môn. Thậm chí có bạn đau đầu vì nợ nần chồng chất.
Chỉ ở nhà ôn để thi lại
Sắp xếp hành lý lên đường về quê ăn Tết, Dương Thanh Huyền (sinh viên năm nhất một trường ĐH ở Cầu Giấy (Hà Nội) không quên mang hai tập giáo trình Triết học và Kinh tế chính trị để “cày” trong những ngày nghỉ Tết.
Huyền cho biết năm nay bạn không “thiết tha” du xuân hay tụ tập bạn bè vì phải bận ôn thi lại. Học kỳ vừa rồi, Huyền thi hai môn liền nhau nên bạn quyết định “ôm tủ đi thi” bởi cả môn Triết học và Kinh tế chính trị đều là nỗi ám ảnh kinh hoàng của rất nhiều sinh viên.
Cuối cùng bị lệch tủ, Huyền đành ngậm ngùi: “Phải thi lại cả hai môn chị ạ thời gian nghỉ Tết cũng nhiều nên em tranh thủ ôn bài, học thuộc. Em sợ học lại lắm nên Tết năm nay em sẽ không đi chơi đâu cả, chỉ ở nhà học thôi”.
|
Mất Tết vì thi lại, nợ môn |
Đối với bạn Nguyễn Minh Luân (sinh viên năm 4, ĐH Kiến trúc Hà Nội), Tết là thời điểm để “nghiền” lại các môn đại cương, chờ ngày trả nợ.
Những năm đầu đại học vì mải chơi, đi học chỉ để điểm danh nên các môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Toán đại cương, cơ sở và mỹ thuật Luân đều không vượt qua. Riêng Chủ nghĩa xã hội khoa học, Luân thi lại tới bốn lần vẫn không đạt.
“Đó là môn mình chẳng thể học nổi, quá dài và khó hiểu. Một phần vì mình chưa tập trung và xem nhẹ mấy môn đại cương nên giờ mới nợ môn nhiều thế này. Ra Tết trường tổ chức học lại và thi trả nợ môn, lần này phải cố gắng lấy điểm khá để trả hết môn vì nếu không mình sẽ phải ra trường chậm hơn các bạn một năm. Bố mẹ mình biết chắc sẽ cắt hết “viện trợ” hàng tháng mất” – Luân chia sẻ.
Mất Tết vì bị xiết nợ
Nhiều sinh viên còn rơi vào tình trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” vì bị xiết nợ những ngày giáp Tết.
Như Hoàng Đạt (sinh viên Trường CĐ Điện lực, Hà Nội) vì quá ham mê bài bạc, lô đề, và say sưa chơi game nên nợ nần khắp nơi, mọi chỗ. Lâu dần số tiền nợ, lại thêm lãi suất từ các khoản vay cứ thế “nhảy” lên theo từng ngày. Đến thời điểm này, Đạt đã nợ cả trăm triệu đồng.
|
Phụ xây cũng là nghề kiếm cơm của sinh viên |
Gia đình bạn phải bán đất, bán xe để lấy tiền trả nợ cho con mà vẫn chưa hết, những ngày này chủ nợ ráo riết đòi tiền. Thậm chí đe dọa cả gia đình khiến cậu sinh viên cũng như bố mẹ không còn tâm trí để nghĩ đến chuyện Tết đến, xuân về.
Không khí gia đình ngày nào cũng ảo não, ảm đạm, nhìn bố mẹ hao gầy, xanh xao vì lo chuyện tiền nong, Đạt ân hận: “Giá mà mình không ham lô đề, bài bạc, nếu biết có ngày hôm nay, có lẽ mình không bao giờ làm cái việc dại dột đó. Bố mẹ đã quá khổ vì mình rồi, mình thực sự thấy hối tiếc…”.
Trong khi những sinh viên đang ngày đêm “bán sức lao động” nơi xứ người luôn khắc khoải nỗi nhớ mẹ, nhớ cha và ước mơ một ngày Tết bình yên bên mái ấm gia đình thì nhiều bạn dù được đón xuân trong vòng tay của bố mẹ lại tự đánh mất niềm hạnh phúc của mình mà không biết rằng ở đâu đó, vẫn có người luôn khát khao có được.
Cận Tết, công việc dồn dập khiến Nguyễn Minh Đức (sinh viên năm 2 Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Hà Nội) quay cuồng. Vì nhà xa (quê Đức ở tận Quảng Trị), gia đình lại nghèo nên sau khi thi hết học kỳ, Đức không về quê mà ở lại xin đi phụ xây kiếm tiền gửi về cho bố mẹ sắm Tết.
Cũng có hoàn cảnh như Đức, bạn Giang Thị Hòa (huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng) năm nay đón Tết một mình ở Hà Nội vì nhà xa nên ở lại làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Ban ngày, Hòa làm công việc dọn dẹp, phụ bếp tại một cửa hàng ăn, đêm đến làm bưng bê, phục vụ khách hàng.
Theo Hòa, vì cửa hàng khá đông khách nên chỉ nghỉ vào ngày mùng 1 Tết, còn các ngày khác vẫn bán bình thường, chủ yếu bán đồ ăn đêm nên không lúc nào được ngơi nghỉ. Bởi thế, dù muốn được một lần về thăm bố mẹ, Hòa cũng không có thời gian….
Theo Thu Thảo
(vietnamnet)
Bình luận (0)