Ngành GD-ĐT có chủ trương dành một số tiết thích hợp để giảng dạy văn học địa phương trong các trường THCS, THPT là rất đúng đắn và cần thiết. 1Học sinh các cấp học này học văn chương đất nước không thể không biết đến sự hình thành, phát triển văn học ở quê hương mình. Có như vậy mới giúp các em nắm rõ địa phương mình có các nhà văn, nhà thơ nào, tác phẩm của họ là những gì, sự hình thành tác phẩm ấy ra sao?
Để thiết thực cho các em tiếp cận văn học ở địa phương, Trường THCS Ngô Mây (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã có sáng kiến tổ chức buổi giao lưu với Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh, mời các nhà văn, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT tỉnh về trò chuyện, đọc thơ giao lưu với thầy trò của trường, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của thầy và trò nhà trường chung quanh chuyện văn chương.
Các nhà văn, nhà thơ Lê Văn Ngăn, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Thanh Mừng, Lê Hoài Lương, Đào Duy Anh, Đặng Quốc Khánh, Phạm Vân Hiền… đã được nhà trường và học sinh khối 9 đón tiếp nồng nhiệt. Các tác giả tự giới thiệu về mình, tác phẩm chính và quá trình sáng tác, đồng thời nói về sự hình thành, phát triển của dòng văn chương Bình Định. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng nói về “Bàn thành tứ hữu” theo yêu cầu của một thầy giáo dạy văn. Nhà thơ Lê Văn Ngăn trả lời một em nữ sinh muốn tìm hiểu về nhà thơ Phạm Văn Ký (anh nhà thơ Phạm Hổ, Việt kiều ở Pháp). Nhà thơ Nguyễn Văn Chương giới thiệu những tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông theo yêu cầu của các em. Nhà thơ Lê Hoài Lương khái quát sự phát triển văn xuôi Bình Định những năm gần đây và giới thiệu 2 tập truyện ngắn của ông.
Tuy phải ngồi ngoài trời suốt mấy giờ đồng hồ ngày chủ nhật, nhưng các em đều trật tự, hào hứng nghe các nhà văn, nhà thơ nói chuyện, đọc thơ, thỉnh thoảng lại bật lên tiếng cười thích thú khi nghe những bài thơ hay, câu nói dí dỏm. Đây thực sự là buổi học lý thú, bổ ích cho các em, bởi các em được tiếp xúc trực tiếp với những nhà văn nhà thơ mà ít nhiều các em đã được đọc tác phẩm của họ. Cuộc giao lưu cũng là dịp cho các nhà văn, nhà thơ tiếp xúc với bạn đọc và thực tế cuộc sống.
Trong khi chưa có giáo trình về văn học địa phương để giảng dạy thì việc liên hệ với Hội VHNT tỉnh, mời giao lưu với các nhà văn, nhà thơ đang sinh sống ở địa phương của Trường THCS Ngô Mây là việc các trường nên làm vì rất phù hợp và thiết thực, bổ ích cho cả hai bên.
Thôn Trang (Bình Định)
Bình luận (0)