Đại học ngoài công lập (ĐHNCL) ở nước ta đã ra đời ngót nghét 20 năm. Một thời gian khá ngắn so với sự phát triển của một trường ĐH, nhưng cũng đủ dài để xem “đứa con” này phát triển như thế nào. Tiếc là cho đến nay, chưa ai “thăm khám” một mô hình xã hội hóa phù hợp với xu thế phát triển, nhưng cũng ẩn chứa nhiều “khuyết tật” cần uốn nắn.
Vật chất quyết định… ý thức
Chỉ đi một vòng qua vài trường ĐHDL, chúng tôi đã thấm thía câu nói chua chát của SV các trường ĐHNCL: “Không thuê, không mướn, không phải trường… dân lập”. Nhưng “phát biểu” trên vẫn chưa… khái quát được hết tình hình “ăn nhờ ở đậu” của các trường trước những thực tế “giật mình”.
Sau 14 năm thành lập, cơ sở chính của Trường ĐHDL Hùng Vương vẫn còn là miếng đất trống tại 736 Nguyễn Trãi, Q5. Ảnh: T. HÙNG
|
Hơn 14 năm thành lập, Trường ĐHDL Hùng Vương (1995) với quy mô đào tạo lên đến 10 ngàn SV, có cơ sở chính đặt tại số 736 Nguyễn Trãi, quận 5. Với quy mô đào tạo hoành tráng, cơ sở chính nằm ngay mặt tiền quận trung tâm, quả thật, trường đủ “tiếng thơm” để tuyển sinh.
Nhưng khi chúng tôi tìm đến… cơ sở chính của trường, dọc đường Nguyễn Trãi, số nhà 736 chỉ là một miếng đất trống nằm lọt thỏm giữa hai căn nhà cao tầng. Còn các cơ sở… phụ của trường: 342 bis Nguyễn Trọng Tuyển (quận Tân Bình), 239 Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận) và 146 Võ Thị Sáu (quận 3) đều là… nhà thuê.
TS Lê Văn Lý, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Hùng Vương cho biết, trường đã đầu tư và đưa vào sử dụng phòng thư viện, phòng thí nghiệm đặt tại cơ sở 146 Võ Thị Sáu. Tuy nhiên, địa điểm tại số 146 Võ Thị Sáu lại là cơ sở của Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ và ngoại ngữ (Trường Cán bộ TPHCM), trong đó, Trường ĐHDL Hùng Vương chỉ thuê 3 khu phòng khiêm tốn: khu C, khu D và B1.
Dạo một vòng quanh các phòng học, chúng tôi không tài nào tìm được phòng thí nghiệm lẫn thư viện. Hỏi 2 SV năm thứ 3 của trường lối vào phòng thí nghiệm, 2 SV này… hồn nhiên: “Em chỉ biết trường có thư viện thôi mà tụi em chưa vào lần nào nên cũng không rõ, còn phòng thí nghiệm chắc… không có”.
Đi thêm vài vòng chúng tôi mới phát hiện phía cuối hành lang, dưới chân một cầu thang cũ kỹ có hai căn phòng nhỏ nối liền với căntin, đó chính là phòng thí nghiệm của bộ môn vi sinh rộng chừng… 12m². Sát bên cạnh là phòng thư viện rộng gần gấp đôi với vài chiếc giá dựng sách.
Theo người bán căntin, hai căn phòng này (phòng thí nghiệm và thư viện) không phải xây mới mà là hai phòng chức năng cũ của trung tâm được Trường ĐHDL Hùng Vương thuê rồi… tân trang lại.
Nhiều phụ huynh, SV Trường ĐHDL Văn Hiến đều đinh ninh cơ sở tại AA2 Đường D2, P25, quận Bình Thạnh là cơ sở chính của trường và là tài sản của trường từ sự đóng góp của… bản thân. Ít ai biết, cơ sở này chỉ là… của thuê. PGS-TS Nguyễn Mộng Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐHDL Văn Hiến cho biết, 12 năm thành lập, qua 3 đời hiệu trưởng, nhưng đến nay trường vẫn phải cho SV học tạm tại 4 cơ sở thuê mướn.
Chúng tôi đến một cơ sở đào tạo của trường ở quận Bình Thạnh, các bức tường ngăn các giảng đường A, B đều bằng những tấm thạch cao cũ kỹ, nứt nẻ, có bức bị bong tróc rớt từng mảng lớn trông nham nhở như một khu nhà hợp tác xã ở nông thôn cách đây vài chục năm. Các giảng đường sát nhau, việc cách âm là điều… không tưởng.
Vào giờ học, các âm thanh từ các phòng “va” vào nhau tạo thành những tiếng ồn chói tai. 15 phút ngồi trong giảng đường A cùng 300 SV năm nhất của… “hợp chủng” khoa: Kinh tế, Ngữ văn, Xã hội học trong giờ học môn chính trị Mác – Lênin, chúng tôi cố lắng tai vẫn không tài nào nghe được bài giảng của các giảng viên.
Ngoài tiếng ồn từ các phòng học dội qua, còn có âm thanh từ 35 chiếc quạt trần, 5 chiếc quạt công nghiệp cùng với hơi nóng từ trần nhà khiến hàng trăm SV dở khóc dở mếu trước… khái niệm “vật chất và ý thức” của bài học.
Trường đi thuê, lãi gửi ngân hàng!
Không chỉ vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi thành lập các trường ĐHNCL, mặc dù tổng giá trị tài sản của các trường đều tăng, nhưng giá trị tài sản thuộc sở hữu thực của các trường chiếm tỷ lệ hết sức khiêm tốn.
Chẳng hạn ở Trường ĐHDL Hồng Bàng, năm 2001 tổng diện tích sử dụng là 16.900m², trong đó diện tích thuê mướn là 11.900m². Đến năm 2005, tổng diện tích sử dụng là 35.100m² thì diện tích thuê mướn đã là 21.000m². Riêng Trường ĐHDL Lạc Hồng thì tổng diện tích sử dụng đến năm 2005 trên 25.000m² đều là… của thuê.
Một cơ sở của Trường ĐH Dân lập Hồng Bàng thuê trong Công ty cổ phần Bao bì dược tại quận Phú Nhuận. Ảnh: MAI HẢI
|
Phải đi thuê và thay đổi địa điểm thuê khá nhiều nên mức chi cho khoản thuê mặt bằng của nhiều trường đã chiếm tỷ lệ cao nhất trong các khoản chi, cao hơn cả chi lương giáo viên! Ở năm 2005, ĐHDL Lạc Hồng chi thuê cơ sở 17,2% trong khi chi lương cán bộ cơ hữu chỉ 15,5%; riêng ĐHDL Hồng Bàng, chi thuê cơ sở chiếm đến 32,6%, trong khi chi lương cán bộ cơ hữu chỉ là 14,3%.
Không đầu tư cơ sở vật chất không phải do các trường thiếu tiền. Trên thực tế, tổng số vốn hoạt động của các trường tăng đều đặn hàng năm, trong đó nguồn vốn bổ sung từ lợi nhuận tăng cao nhất với mức 2,51 lần từ năm 2001 đến 2005.
Nhiều trường sau một thời gian ngắn hoạt động đã có tích lũy nhưng không đưa vào đầu tư mà đem… gửi ngân hàng để thu lãi hàng tháng. Trong khi đó, quy mô tuyển sinh mỗi năm đều tăng, số lượng SV mỗi trường ngày càng nhiều, nhưng cơ sở vật chất trường lớp thì không được đầu tư tương xứng.
Giảng viên cơ hữu: đã ít lại còn giảm
Thật khó để biết đội ngũ giảng viên cơ hữu của các trường hiện nay là chính xác hay không thông qua “giới thiệu” khá kêu của các trường, nhưng cũng thật dễ để phát hiện tỷ lệ này thông qua mức chi lương hàng năm của các trường.
Quy chế trường ĐHDL quy định “tại thời điểm khai giảng khóa đầu tiên, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường phải đảm bảo không dưới 20% và trong vòng 4 năm đạt không dưới 50% khối lượng giảng dạy từng môn học”.
Theo điều tra của chúng tôi, khoản chi lương cho giảng viên cơ hữu ở các trường luôn thấp hơn thỉnh giảng. Chỉ lấy con số của năm 2005, ĐHDL Thăng Long chi lương cán bộ cơ hữu 16%, cán bộ thỉnh giảng 44,7%; ĐHDL Hồng Bàng chi lương cán bộ cơ hữu 14,3%, cán bộ thỉnh giảng 25,9%; ĐHDL Hùng Vương chi lương cán bộ cơ hữu 21,3%, cán bộ thỉnh giảng 25,7%; ĐHDL Lạc Hồng chi lương cán bộ cơ hữu 15,5%, cán bộ thỉnh giảng 44,9%…
Một con số càng ngạc nhiên hơn khi ở ĐHDL Hồng Bàng, năm 2001 chi lương giảng viên cơ hữu 15,4% thì đến năm 2005 con số này chỉ còn 14,3%, có nghĩa là đội ngũ giảng viên cơ hữu chẳng những không phát triển sau 5 năm mà lại còn giảm đi! Vì vậy, đội ngũ giảng viên chiếm phần nhiều là thỉnh giảng, tức giảng viên… mượn!
Là trường ĐHNCL đầu tiên ở phía Nam thành lập năm 1992, nhưng ông Huỳnh Thế Cuộc, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Ngoại ngữ và Tin học (HUFLIT) cho rằng đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường hiện khó phát triển nhiều hơn.
Ngay khi vừa thành lập, trường đã gửi giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài và tập trung tuyển chọn, đào tạo tại chỗ, đến nay đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường dao động ở mức 114 – 117 người. Vì vậy, trường cũng chỉ giới hạn quy mô SV vừa phải để đảm bảo chất lượng đào tạo. Thế nhưng nhìn chung, rất ít trường có đội ngũ cơ hữu ổn định như HUFLIT.
Theo Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT, giảng viên cơ hữu ở các trường hiện vừa thiếu lại vừa yếu, nhất là độ tuổi 35 – 50, nhiều giảng viên có học hàm học vị ở các trường công lập được mời sang, tuy nhiên đội ngũ này phần lớn đều lớn tuổi. Giảng viên trẻ dù được quan tâm hơn nhưng do tuyển dụng có tính chắp vá, bị động nên chất lượng chưa cao…
Đón xem bài 2: “Gà đẻ trứng vàng”
Một lối ra tất yếu
Một trong những thành quả quan trọng của công cuộc đổi mới ở Việt Nam cuối những năm 80 của thế kỷ trước là sự ra đời của hệ thống các trường ĐHNCL. Mở đầu là sự ra đời của Trung tâm đại học dân lập (ĐHDL) Thăng Long vào năm 1989.
Đến cuối năm 2008, theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có 64 trường ĐH, CĐ NCL. Trong đó, 40 trường ĐH (chiếm 25% tổng số trường ĐH trên cả nước), 24 trường CĐ (chiếm 11,48%). Đây là một bước chuyển biến đáng kể trong tư duy của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước cũng như của những người trực tiếp làm công tác giáo dục ĐH, CĐ.
Sau gần 20 năm nhìn lại, không thể phủ nhận sự ra đời của các trường ĐHNCL đã góp phần giải quyết nhu cầu học tập to lớn của xã hội trong khi hệ thống trường ĐH công lập và ngân sách nhà nước chưa cáng đáng nổi. Số SV ĐHNCL đến nay đã trên 143.000 SV (chiếm 12% tổng số SV cả nước).
Bên cạnh đó, quy mô, các ngành nghề đào tạo của các trường cũng ngày một mở rộng, hàng trăm ngành nghề từ các ngành xã hội cho tới các ngành khoa học kỹ thuật được đưa vào đào tạo…
Có thể nói, trong những năm qua, các trường ĐHNCL đã có công trong việc góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa của Chính phủ, đào tạo một lực lượng tri thức không nhỏ để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Một xu hướng tất yếu, một chủ trương đúng đắn ngay từ khi ra đời đã được đón nhận một cách tích cực của xã hội.
Tuy nhiên, cũng ngay từ khi ra đời, xu hướng mới này đã nảy sinh những khuyết tật mà lẽ ra, nếu không có những khuyết tật đó, chủ trương xã hội hóa giáo dục còn có thể phát triển mạnh hơn, đúng đắn hơn để thực hiện chiến lược giáo dục giai đoạn 2001 – 2010 của Chính phủ, là Việt Nam phải “đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển các trường ngoài công lập, nâng tỷ lệ SV ngoài công lập lên khoảng 30%, nâng tỷ lệ SV/vạn dân từ 118 (năm 2001) đến 200 (năm 2010)”. Vậy mà, chỉ còn một năm nữa kết thúc giai đoạn chiến lược, tỷ lệ SV NCL chỉ đạt chưa được 50% so với mục tiêu đề ra.
|
Linh An – Thanh Hùng (Theo SGGP)
Bình luận (0)