Thực hành tại Trường CĐ nghề TP.HCM |
1. Trường CĐ Nghề TP.HCM hiện có hai ngành học đang thu hút người học sinh, đó là CNTT và nhóm ngành kinh tế (kế toán và quản trị doanh nghiệp). Có hai lý do dễ thấy của sự thu hút này là: Thứ nhất, bản thân hai ngành nghề đó phù hợp với tâm lý cũng như năng lực của giới trẻ, nhiều học sinh rất thích. Thứ 2, đây là các ngành nghề mà cơ hội xin việc làm dễ hơn, nhất là nhóm ngành kinh tế, xã hội đang có nhu cầu lớn. Có thể đơn cử, bên cạnh việc tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ ĐH thì hệ thống ngân hàng còn tuyển cả học sinh có bằng trung cấp kinh tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng phát triển (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) nên rất cần vai trò của người quản trị doanh nghiệp. Không phải làm việc đâu xa, các em có thể quản lý công ty, xí nghiệp ngay trong gia đình của mình, thuận lợi đủ bề.
Tuy nhiên có hai ngành nghề mà nhiều năm nay các em học sinh chưa “mặn mà” đó là hàn và may công nghiệp. Vì thế hàng năm, Trường gặp khó khăn trong tuyển sinh, thiếu đầu vào và nhân lực, trong khi nhu cầu sử dụng lao động rất lớn. Bên cạnh đó, một số ngành kỹ thuật như cơ khí được coi là ngành mũi nhọn của TP.HCM nhưng cũng ít học sinh theo học, muốn có lớp đào tạo, Trường phải lấy từ nguyện vọng 2.
“Chúng tôi có một trung tâm tư vấn học nghề và giải quyết việc làm nên học sinh trường CĐ nghề không lo chuyện thiếu việc làm, tốt nghiệp ra trường là có nơi nhận” – ông Lê Quốc Bình. |
2. Hàng năm, Trường làm rất tốt công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh nhưng vẫn không thu hút được học sinh. Giải pháp tình thế là phải mở thêm các hệ đào tạo khác, đa dạng hóa loại hình mà cụ thể là đào tạo theo địa chỉ – không thường xuyên, lâu lâu mới có một khóa học. Một khó khăn nữa rất dễ thấy là các trường TC nghề, CĐ nghề vẫn chưa có cơ hội đào tạo liên thông lên ĐH, các trường TCCN liên thông lên CĐ nghề… Nếu có điều kiện thì cũng khó thực hiện liên thông giữa các bậc đào tạo vì trên thực tế chưa có văn bản nào chính thức cả.
Trong bối cảnh đó không có cách nào khác, trường CĐ nghề bắt buộc phải đào tạo theo cách riêng của mình nhằm bồi dưỡng kỹ năng cấp bằng TC nghề lên CĐ nghề với đặc thù coi trọng tính thực hành, khả năng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống hơn truyền thụ lý thuyết, sách vở. Đây là cách làm sáng tạo, sát với tình hình thực tế và quan trọng là vẫn đúng luật. Dù không đào tạo được các lớp chính quy nhưng vẫn có lớp, có học sinh theo học dạng đào tạo thường xuyên để không lãng phí con người và nhất là trong điều kiện trang thiết bị của trường vừa hiện đại, vừa sẵn có. Chẳng hạn như nghề hàn, chúng tôi vừa đào tạo theo nhu cầu tại chỗ vừa đào tạo để phục vụ nguồn xuất khẩu lao động cho các doanh nghiệp. Hiện nay, chúng tôi đang mở rộng quy mô bằng cách liên kết đào tạo với các tỉnh, thành trên nhiều lĩnh vực – trong đó có đào tạo nghề. Trước mắt là hai tỉnh vùng sâu vùng xa như Cà Mau và Bình Thuận. Đối tượng là các học sinh đã tốt nghiệp THCS, khi theo học TC nghề các em được học tiếp chương trình THPT.
3. Hiện nay cơ sở vật chất của trường rất ổn định, tại cơ sở 3 ở quận 9, ngoài phòng học còn có cả khu nội trú ký túc xá cho học sinh. Hàng năm CĐ nghề TP.HCM được cấp từ 5 đến 6 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị mới. Đội ngũ giáo viên trình độ trên ĐH có tỷ lệ 20% nhưng ban giám hiệu vẫn khuyến khích các thầy cô tự học tự bồi dưỡng thêm. Nếu thầy, cô nào đi học theo yêu cầu thì được hỗ trợ kinh phí theo nguồn đào tạo. Còn cá nhân tự đi học lấy bằng thạc sĩ hay tiến sĩ thì nhà trường ủng hộ thêm một khoản kinh phí (từ 10 đến 15 triệu) nhằm động viên khuyến khích tinh thần học tập trong giáo viên. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng đội ngũ của một trường nghề. Vì thế, năm 2008 Trường CĐ Nghề TP.HCM là một trong chín trường nghề đạt chất lượng kiểm định của Bộ LĐ-TB&XH.
4. Qua đây, chúng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cần có văn bản cụ thể về đào tạo liên thông giữa các trường do hai Bộ quản lý càng sớm càng tốt để chúng tôi có “cây gậy” dẫn đường thuận lợi trong đào tạo. Bởi vì, các trường đã đưa ra lời đề nghị này từ rất lâu, kiến nghị rất nhiều lần mà đến nay vẫn chưa có kết quả. Khi các trường TC nghề nâng cấp lên thành trường CĐ nghề thì có rất nhiều thuận lợi, tuy nhiên không phải trường nào cũng đủ điều kiện để chuyển đổi nhất là các điều kiện về diện tích mặt bằng.
Lê Quốc Bình (Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM)
Khó thăng tiến
Năm nay tôi làm hồ sơ thi ĐH khối A vào Học viện Hàng không, ngành sửa chữa máy bay. Lý do để tôi chọn nghề này vì ra trường đi làm có thu nhập cao. Tôi cũng dự tính là nếu thi rớt ĐH thì có thể vào học một trường trung cấp nào đó nhưng chị gái không cho học trung cấp vì sau này đi làm lương không cao, khó thăng tiến. Bạn bè tôi đều lên kế hoạch thi vào Trường Kinh tế vì nghĩ là ra trường có lương cao, dù nhiều bạn có người học rất yếu.
Lê Lâm Nhân
(Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP.HCM) |
Khó kiếm việc làm
Tôi không có ý định thi vào trường trung cấp vì bằng cấp hệ TCCN không “ngon” bằng ĐH. Hơn nữa, nhiều người bảo học trung cấp ra trường khó kiếm việc làm. Một số bạn trong lớp có học lực yếu mà vẫn cứ ước mơ vào ĐH và CĐ, không ai có dự tính học các trường trung cấp. Chúng tôi cũng đang trong giai đoạn tìm hiểu trường để đăng ký, chứ thực tế chưa có ai tư vấn cho mình.
Nguyễn Thanh Hải
(Trường THPT Phan Đăng Lưu, TP. HCM) |
Bình luận (0)