Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Học tiếng Việt hay học văn?

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học luyện từ và câu của học sinh tiểu học. Ảnh: N.Trinh

Thời gian qua, gần như không khi nào thưa việc phê phán những cử nhân viết sai chính tả, sai ngữ pháp, dùng từ tối nghĩa… Trên báo chí, nhất là báo mạng, việc viết câu sai, dùng từ không đúng ý muốn diễn đạt cũng diễn ra khá phổ biến.
Cả những người được coi là dịch giả vẫn bị cho là “thảm họa dịch thuật” khi thể hiện vốn tiếng Việt quá nghèo nàn. Còn trong văn bản của các cơ quan, doanh nghiệp, các quảng cáo…, việc dùng sai tiếng Việt diễn ra còn thường xuyên hơn. Đặc biệt, trong các kỳ thi tuyển sinh hay tốt nghiệp THPT, hầu như năm nào cũng có các phản ánh về tình trạng viết tiếng Việt quá tệ của rất nhiều học sinh, kể cả những học sinh thi vào các ngành khoa học xã hội.
1. Có không ít người cho rằng vì sự phát triển của “ngôn ngữ mạng internet”, “ngôn ngữ tuổi teen”… đã làm nhiều người, nhất là giới trẻ xao nhãng việc học cách dùng đúng tiếng Việt; nhưng cũng có người cho rằng chính cách dạy và học môn tiếng Việt, môn văn đã gây ra tình trạng đó.
Từ đó, có nhiều ý kiến đề xuất phải thay đổi cách thức dạy văn, trước hết phải dạy tiếng Việt cho nghiêm túc, sau đó mới rèn cách viết văn hay, cách cảm thụ các tác phẩm văn học… Thậm chí có người cho rằng nên bỏ hẳn môn văn hay ngữ văn mà chỉ cần có môn tiếng Việt, ai có điều kiện hoặc sở thích thì học chuyên về văn (ở bậc THPT hoặc ĐH); hoặc có người đề xuất học song song hai môn: Tiếng Việt và văn. Đó đều là những ý kiến đáng chú ý.
Cá nhân tôi cho rằng, nên nghiên cứu học song song hai môn, tiếng Việt và văn (hoặc ngữ văn, hoặc văn học). Tiếng Việt là môn học vỡ lòng, học căn bản, học để nói đúng, đọc đúng, viết đúng, giao tiếp tốt…; văn là môn học nâng cao để viết hay, viết tốt, phục vụ việc viết văn bản, viết báo, sáng tác, để cảm thụ các tác phẩm văn hóa tốt hơn.
2. Về đại thể, học tiếng Việt là học (nói và viết) chủ yếu từ vần, âm, tiếng, từ, ngữ, mệnh đề, câu, đoạn… Học vần để biết cách ráp thành tiếng; học âm để phân biệt nguyên âm, phụ âm, nguyên âm đơn, nguyên âm kép, phụ âm đơn, phụ âm kép… Học từ để biết thế nào là danh từ, động từ, tính từ, thán từ, hư từ… và cách dùng ra sao; thế nào là từ đơn, từ ghép, từ láy…; học để biết nghĩa và dùng chính xác các từ, nhất là từ mượn, từ có gốc từ Hán – Việt, từ cổ…; học để viết đúng chính tả, nhất là dấu hỏi, dấu ngã, âm đầu ch và tr, d và gi, âm cuối t và c, n và ng… Học ngữ, mệnh đề để biết và dùng đúng trạng ngữ, bổ ngữ, định ngữ, thành phần cấu tạo của câu ghép… Học câu để viết đúng câu, về cơ bản phải đủ chủ ngữ và vị ngữ, viết đúng câu đơn, câu ghép; viết đúng ý muốn nói ở các loại câu tường thuật, câu cảm, câu cầu khiến, câu hỏi… Học đoạn là học cách sắp xếp các câu có ý liên quan nhau vào một nhóm, để làm rõ một ý cụ thể nào đó. Có học câu, đoạn thì mới có thể viết thành bài văn. Bên cạnh đó, học tiếng Việt còn phải học các dấu câu, khi nào dùng dấu chấm than (!), dấu chấm hỏi (?), dấu ba chấm – dấu chấm lửng (…), dấu ngoặc đơn (), dấu ngoặc kép (“”), dấu hai chấm (:), dấu phẩy (,), dấu chấm phẩy (;)…
Nâng cao hơn, học từ, ngữ còn để hiểu và áp dụng các phép tu từ, như ẩn dụ (phép dùng từ ngữ dựa trên sự liên tưởng một đối tượng khác và gọi bằng tên của đối tượng khác ấy, nhằm nêu bật một tính chất nào đó), hoán dụ (biện pháp dùng tên gọi của sự vật này để chỉ sự vật khác, như lấy tên gọi cái toàn thể để chỉ cái bộ phận hoặc ngược lại)… Hay học về đoạn để có thể diễn đạt theo một phương pháp nhất định, nhằm đạt hiệu quả thông tin, hiệu quả truyền đạt cao nhất, như việc sử dụng phương pháp diễn dịch, quy nạp, song hành, tổng hợp – phân tích, móc xích…; việc sử dụng luận điểm, luận cứ, luận chứng… khi lập luận một đoạn văn (nhất là đoạn nghị luận).
Còn học văn là học nâng cao trên cơ sở các kiến thức nền tảng từ vốn tiếng Việt đã có, để sử dụng tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt, nhất là trong việc sáng tác. Ở mức thấp, đó là việc học môn tập làm văn, làm văn hiện nay, để học cách viết một bài văn miêu tả, phân tích, bình luận, bình giảng… Chẳng hạn, ở bậc tiểu học có thể học cách miêu tả người thân, một hoạt động hay sinh hoạt nào đó…, ở bậc THCS là học cách phân tích, bình luận một câu ca dao, tục ngữ hoặc một câu danh ngôn để làm rõ nghĩa trong câu đó, ở bậc THPT là học cách bình giảng, phê bình một tác phẩm văn học nào đó để làm rõ một luận điểm, để tìm hiểu các tầng ý nghĩa trong tác phẩm… Ở mức cao hơn,  đó là học cách sáng tác các tác phẩm báo chí, văn học…, dĩ nhiên ở mức đơn giản. Như vậy, học văn để làm nền tảng để những ai có sở thích, nguyện vọng muốn học các ngành về sáng tác có thể tiếp tục nâng cao.
3. Tuy gọi là học song song hai môn tiếng Việt và văn nhưng cần thiết có sự chọn lựa thời điểm học phù hợp, ở các lớp (lứa tuổi) phù hợp. Tiếng Việt nên được dạy nói từ bậc mầm non (dĩ nhiên có thể dạy từ trong gia đình), dạy viết từ lớp 1 cho đến hết bậc THCS; môn văn nên được dạy từ lớp 2 (hoặc lớp 3) cho đến bậc THPT. Như vậy, cần thiết học cả môn tiếng Việt và môn văn để việc sử dụng tiếng Việt được chính xác, hạn chế tình trạng dùng tiếng Việt có nhiều sai sót như hiện nay. Để làm điều đó, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu để xây dựng chương trình, soạn sách giáo khoa, đào tạo giáo viên… Và, cần thiết thực hiện sớm, chứ không, sẽ có những thế hệ người Việt dùng tiếng Việt như… người nước ngoài!
ThS. Nguyễn Minh Hải

Bình luận (0)