Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Làm thế nào để có tiết dạy hay?

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi môn học đều có phương pháp truyền thụ khoa học, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi tiếp nhận. Trong đó, môn ngữ văn có những đặc thù riêng mà người dạy cần biết để dạy hay, nói một cách hình ảnh là truyền được ngọn lửa đam mê bộ môn cho học sinh. Giữa thời buổi hiện nay, môn ngữ văn thường bị xếp vào “sách đỏ”, bị các thế hệ học sinh ngó lơ, nhưng ở đây ngược lại, nếu dạy hay, hấp dẫn thì sẽ kéo được các em cùng người thầy say mê với những bài văn, bài thơ; hồi hộp dõi theo từng số phận nhân vật… Là một giáo viên có thâm niên 35 năm dạy ngữ văn, từng truyền ngọn lửa yêu thích bộ môn ngữ văn cho nhiều thế hệ học sinh, tôi xin chia sẻ cùng các bạn đồng nghiệp phương pháp để có được một giờ dạy ngữ văn hấp dẫn, lôi cuốn học sinh. Theo tôi, muốn làm được điều đó không phải trong ngày một ngày hai; không phải dễ dàng mà phải trải qua sự trải nghiệm thực tế, sự chiêm nghiệm cuộc sống. Một là người thầy phải có năng khiếu văn chương (cảm thụ văn, sáng tác, nghiên cứu…). Chính năng khiếu này đã tạo ra sự say mê, thôi thúc sự tìm hiểu về tác phẩm và hiểu sâu, hiểu nhiều chiều về tác phẩm vì tác phẩm văn học luôn đa nghĩa. Rất thiệt thòi nếu dạy ngữ văn mà không có năng khiếu trời cho này; giáo viên chỉ là “thợ dạy”, nói những gì trong sách đã viết nên giờ dạy của thầy cô không hấp dẫn, thậm chí… buồn ngủ! Hai là nắm chắc tâm lý lứa tuổi; có phong cách gần gũi, dí dỏm, thông minh; biết và khơi trúng mạch ngầm lòng yêu thích văn chương thường bị giấu kín dưới đáy tâm hồn. Mỗi giờ dạy là một giờ đầy hứng khởi, đầy tiếng cười, đầy niềm vui khi thầy trò cùng tìm ra hướng hiểu một đoạn văn, một câu thơ… Ba là luôn tìm ra cái mới, cái lạ trong từng tác phẩm; biết gây hứng thú, khơi gợi hứng thú cho học sinh hướng tìm hiểu. Ví dụ, trong truyện “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân) kể về người tử tù cho chữ viên quản ngục; nhưng tác giả lại không miêu tả đó là chữ gì! Người thầy có thể khơi gợi cho học sinh tìm hiểu: “Người tử tù cho viên quản ngục chữ gì và ý nghĩa của chữ đó?”. Bốn là sáng tạo, năng động không ngừng trong mọi bài dạy; tự học tự rèn, tìm hiểu các lĩnh vực văn học, lịch sử, văn hóa… để có nền tảng kiến thức phong phú; khi cần “Hỏi nhanh đáp gọn” thì bật ra ngay. Năm là tạo được động lực để có sự tác động qua lại giữa thầy và trò, không áp đặt ý kiến của mình và biết lắng nghe từ học sinh, và quan trọng là phải biết tự lắng nghe lòng mình để tự hoàn thiện. Có như vậy mới có sự hứng thú và kiến thức sẽ được khắc sâu hơn trong trí nhớ học sinh.

Dạy ngữ văn hay, hấp dẫn khó lắm nhưng ai cũng có thể làm được; miễn là có lòng đam mê nghề nghiệp, có sự khiêm nhường trong phấn đấu, học hỏi… Bởi học hỏi ở đây là học hỏi đồng nghiệp và học hỏi từ cuộc sống, từ học sinh…

Thạch Hoài Lam (Sóc Trăng)

Bình luận (0)