Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Pháp: Ngôn ngữ ra dấu được dạy trong trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học đang học ngôn ngữ ra dấu. Ảnh: I.T

Theo luật ký vào tháng 2 năm 2005, các phụ huynh của học sinh khiếm thính có thể cho con em học ở trường bằng ngôn ngữ ra dấu (NNRD) – tức là dùng động tác ngón tay và tay thay lời nói. Chỉ còn lại vấn đề mở các lớp và soạn chương trình. Ở tiểu học đã bắt đầu, rồi sẽ đến trung học…
Tháng 6 năm 2008 có 130 thí sinh thi môn NNRD ở bậc tú tài. Từ tháng 10, ở trường tiểu học có chương trình giảng dạy NNRD từ mẫu giáo đến lớp 5 (VN). Giáo dục quốc gia quyết đưa các em khiếm thính vào hệ thống giáo dục và công nhận tính đặc thù của NNRD.
Trong một đất nước luôn có sự e dè đối với ngôn ngữ thiểu số, sự kiện này thật có ý nghĩa: luật ký ngày 11-2-2005 đã làm cho NNRD có một vị trí chính quy quốc gia. Người khiếm thính có thể dùng NNRD trong hoạt động giao tiếp với chính quyền. Được lưu ý trong công văn ngày 21-8-2008 của Bộ Giáo dục quốc gia, luật bảo đảm với phụ huynh các em khiếm thính rằng họ có quyền tự do chọn cho con em, hoặc là một giao tiếp song ngữ, hoặc NNRD và tiếng Pháp, hoặc bằng tiếng Pháp.
Đây là sự lựa chọn, không có tính áp đặt: cuộc tranh luận vẫn còn sôi nổi giữa những người bảo vệ chủ trương phát triển NNRD càng ngày càng đông và những người thiên về khẩu ngữ. Chủ trì bởi nhà ngôn ngữ học Pierre Encrave’, một nhóm chuyên viên đã được Bộ thành lập để theo dõi việc áp dụng luật. Họ có thể yêu cầu đưa môn NNRD vào trong tất cả các kỳ thi tú tài năm 2008 ở những nơi có môn NNRD, cũng như việc thiết lập chương trình giảng dạy NNRD ở trường tiểu học. Bà Tổng thanh tra giáo dục quốc gia và điều phối viên của nhóm chuyên viên Mireille Golaszewski nói rõ: “Chúng tôi cố gắng kết hợp sát với chương trình tiếng Pháp ở trường tiểu học. Nhất thiết không để cho các em bị phân tán, nhưng vẫn đưa môn học mới này vào như là một sự kết hợp yếu tố xã hội trong giáo dục chính quy”.
Thách thức của luật 2005 rất lớn: trong 10.700 trẻ khiếm thính được đi học ngày nay, hơn 2/3 ở trong các trường do Bộ Giáo dục quản lý. Các em khác ở trong những tổ chức y tế-xã hội. Ông Encrave’ nói: “Sự phát triển của NNRD trong nền giáo dục quốc gia nhằm hai đối tượng. Dạy NNRD cho các em khiếm thính và dạy NNRD cho học sinh nào muốn học để giao tiếp với anh chị em mình bị khiếm thính. NNRD do đó cũng là một môn học trong trường”.
Rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Dạy NNRD cho trường nào? Không thể dạy môn này trong tất cả các trường được. Ông Mireille Golaszewski đã ý thức về điều đó: “Trong những năm sau này, ngoài vài trường xuất sắc trong các trường ở Poitiers và Toulouse, không có trường nào nữa. Chúng tôi đang suy nghĩ tìm một số trường xuất sắc trong cùng một vùng địa lý, có thể đảm bảo việc dạy NNRD, và dạy bằng NNRD từ mẫu giáo đến tú tài. Một em học sinh khiếm thính phải được đi học liên tục từ nhỏ đến lớn. Lý tưởng nhất là ở mỗi tỉnh có một trường như thế”. Những trường có cả học sinh khiếm thính và học sinh thường học NNRD chỉ tồn tại đến một lớp nào thôi.
Ông Encrave’ lưu ý rằng, cũng như mọi sinh ngữ khác, việc học NNRD đòi hỏi sự giao tiếp giữa những người cùng hoàn cảnh, nghĩa là hãy để cho những trẻ khiếm thính giao tiếp với nhau thường xuyên. Ông nói: “Hãy để cho trẻ khiếm thính giao tiếp với nhau khi học, như vậy chúng mau tiến hơn. Linh mục Epe’e đã chú ý rằng con các nhà thượng lưu có giáo viên kèm riêng tại nhà học không giỏi bằng con của dân thường nhưng học chung với nhau theo từng nhóm”.
Vấn đề còn lại là lấy giáo viên đâu để dạy NNRD. Hiện nay chỉ có vài giáo viên toán, Pháp văn, và vài môn khác, trong phạm vi gia đình, nhưng thực ra họ chưa nắm được phương pháp dạy sinh ngữ… Trong phạm vi quản lý của Bộ Xã hội cũng có những giáo viên khiếm thính trong các cơ sở giáo dục cho người khiếm thính. Cũng có người có trình độ nhưng đến nay không có bằng cấp quốc gia nào xác định khả năng của họ. Ngoài ra nhóm chuyên viên của Bộ cũng suy nghĩ việc lập một chương trình NNRD trên trang web cho người khiếm thính và người thường.
Khó khăn còn nhiều, nhưng theo bà Mireille Golaszewski: “Đây là thời điểm lịch sử, dù sao chương trình dạy NNRD cũng sẽ được hoàn thành vào dịp khai giảng năm học 2009”.
Phan Thanh Quang
 (Theo Thế giới Giáo dục)

Bình luận (0)