Một số nước châu Âu đã bớt tin vào thị trường Trung Quốc do sự cạnh tranh gay gắt hơn và chi phí lao động cao hơn
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc giảm đáng kể trong tháng 5-2014, thời điểm nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 17-6, FDI của nước này trong tháng 5 đạt 8,6 tỉ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ tháng 1 đến tháng 5-2014, FDI từ Liên minh châu Âu (EU) vào Trung Quốc giảm 22,1%, còn 2,58 tỉ USD; từ ASEAN tiếp tục giảm 22,3%, còn 2,54 tỉ USD.
Riêng FDI từ Nhật Bản, nhà đầu tư lớn thứ 5 vào Trung Quốc, giảm đến 42,2% nhưng Bắc Kinh không đưa ra con số cụ thể. Theo báo Shanghai Daily, FDI của Mỹ vào Trung Quốc cũng giảm 9,3%.
Doanh nghiệp nước ngoài ngại đổ thêm tiền do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2014 được dự báo sẽ thấp nhất trong 24 năm qua. Ảnh: Reuters
Những sụt giảm nói trên khiến FDI vào Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm chỉ tăng 1,6%, lên 48,91 tỉ USD với những nhà đầu tư hàng đầu là Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc và Nhật. Ở chiều ngược lại, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào những lĩnh vực phi tài chính ở nước ngoài trong 5 tháng đầu năm giảm 10,2%, xuống còn 30,81 tỉ USD, bất chấp việc các công ty Trung Quốc được khuyến khích ra nước ngoài để tìm nguồn nguyên vật liệu quan trọng và đầu ra cho hàng hóa.
Dù Trung Quốc bác bỏ sự sụt giảm trên có liên quan đến căng thẳng biển đảo nhưng thực tế cho thấy quan hệ giữa Bắc Kinh và một số nước ASEAN, Nhật Bản đang xấu đi bởi những hành động hung hăng của nước này ở biển Đông và Hoa Đông.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương nói: “Sự sụt giảm trên không cho thấy bất kỳ xu hướng gì. Hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN nói chung không bị ảnh hưởng bởi tình hình hiện tại”. Tuy nhiên, ông Thẩm thừa nhận căng thẳng tiếp diễn trong quan hệ chính trị Nhật – Trung sẽ làm tổn hại môi trường hợp tác, quan hệ kinh tế, thương mại song phương. Tuy nhiên, quan chức này lại biện hộ rằng trách nhiệm không phải của Trung Quốc.
Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho rằng việc kinh tế Trung Quốc năm 2014 được dự báo tăng trưởng thấp nhất trong 24 năm (khoảng 7,3%) có thể cản trở doanh nghiệp nước ngoài đổ thêm tiền vào. Chưa hết, một báo cáo gần đây của Văn phòng Thương mại EU ở Trung Quốc nhận định một số nước châu Âu đã bớt tin vào thị trường này do sự cạnh tranh gay gắt hơn và chi phí lao động cao hơn.
Philippines – Nhật Bản tăng cường quan hệ
Tổng thống Philippines Benigno Aquino dự kiến đến Nhật Bản ngày 24-6 để hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe. Theo Bộ Ngoại giao Philippines, cuộc gặp là cơ hội để 2 nhà lãnh đạo trao đổi về những diễn biến gần đây trong khu vực và thảo luận các lĩnh vực hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược. Báo Philippine Daily Inquirer hôm 18-6 dẫn nguồn từ dinh tổng thống Philippines cho biết những căng thẳng về chủ quyền với Trung Quốc có thể được bàn luận. Trong chuyến thăm Manila hồi tháng 7-2013, Thủ tướng Abe cam kết Nhật sẽ cung cấp 10 tàu tuần tra cho lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines để tăng cường khả năng phòng thủ hàng hải.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 17-6 tuyên bố nước này muốn tòa án quốc tế ở The Hague nhanh chóng đưa ra phán quyết đối với đơn kiện các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông. Ông Rosario hy vọng tiến trình phân xử có thể được rút ngắn sau khi Trung Quốc nhất quyết không ra tòa và tình hình biển Đông ngày một xấu đi.
Theo NLĐ
Bình luận (0)