Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Khám phá miệng núi lửa Chư B’luk

Tạp Chí Giáo Dục

Rời khu du lịch thác Đraysap, men theo tỉnh lộ 684 vào huyện Krông Nô (Đắk Nông), rồi vượt qua 20km đường cấp phối đầy bụi bặm và dốc cao, trước mắt chúng tôi là ngọn núi lửa Chư B’luk.

 
Đoàn du khách vào hang C3 – Ảnh: Trần Thế Dũng
Hệ thống hang động núi lửa vùng Krông Nô hội tụ đầy đủ các tiêu chí để thành lập công viên địa chất cấp quốc gia và hướng tới đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu nên rất cần bảo vệ nguyên trạng như một bảo tàng ngoài trời. Vì vậy trong khi chờ quy hoạch, chưa thể khuyến khích du lịch
Ông La Thế Phúc (giám đốc Bảo tàng Địa chất VN)
Ngọn núi nổi bật giữa triền đồi cằn cỗi, hoang vắng thuộc địa phận xã Buôn Choah.
Từ đây vào chân núi chủ yếu là lối nhỏ trên nền đá gập ghềnh dài khoảng 2km và không ít lần phải băng qua những ngọn đồi thấp toàn đá bazan bọt (bọt khí nằm trong đá) được hình thành từ dòng nham thạch trong núi lửa tuôn trào xưa kia.
Ánh nắng chói chang, gió núi thỉnh thoảng thổi qua nhưng không đủ xua đi bức bối của cái nóng từ bãi đá bốc lên. Không gian yên vắng, hoang hóa như buổi chiều tà.
Thật may, trên đường đi rất dễ bắt gặp những bụi cà chua chi chít trái chín đỏ, kích thước chỉ lớn hơn ngón tay cái nhưng hương vị chẳng khác cà chua vườn đã giúp chúng tôi vượt qua cơn khát và tạm quên bao nỗi mệt nhọc.
Huyền ảo những hang động
Rời khỏi bãi đá là nối tiếp con dốc thẳng đứng đến tận miệng núi lửa. Chúng tôi tiếp tục đi, một vài đoạn phải leo trèo đồng thời vừa nhoài người nắm bắt rễ cây hoặc mỏm đá hầu làm điểm tựa tiến lên đỉnh núi.
Chúng tôi đặt chân tới đỉnh núi cao 593m so với mặt biển khi trời đứng bóng cũng là lúc sức đã cạn, mồ hôi chảy đầm đìa trên mặt. Biết bao cảm xúc lạ lùng liên tiếp dâng trào khi lần đầu tiên chiêm ngưỡng miệng núi lửa hình nón, đang hiện hữu trước mặt chúng tôi.
Lần theo những vách đá lòng chảo, chúng tôi từng bước xuống đáy miệng núi lửa với tâm trạng hồi hộp, lo lắng những tai ương khôn lường bất chợt xảy ra. Không gian càng lúc càng tối dần, âm u, tĩnh mịch. Lúc này chỉ cần một cánh chim tình cờ vụt bay cũng khiến khách phải giật mình, hoảng hốt.
Tuy nhiên, những gì chúng tôi nhìn thấy khi dừng chân dưới đáy lòng chảo thật thú vị. Đó là bãi đá bazan bọt nằm chồng chất trong khu vực chừng 100m2, xung quanh là những hang hốc tối om. Nhìn lên miệng núi lửa toàn là tán lá, cây rừng tranh tối tranh sáng che khuất tầm nhìn.
Từ đỉnh núi Chư B’luk, bấm máy định vị cầm tay GPS có thể thấy hệ thống hang động hình thành bởi dòng nham thạch phun, trong đó hang A1 được xem là gần núi lửa nhất. Riêng dòng chảy về hướng tây nam (thác Đraysap) khá mạnh nên hình thành vô số hang động lớn nhỏ khác nhau dài 25km. Và hang gần núi lửa nhất được đánh số là C9.
Phần lớn các hang dung nham có hình dạng ống nhưng mỗi nơi mang một nét độc đáo khác nhau. Nếu hang A1 nổi tiếng vì nhiều ngóc ngách, ngã rẽ trổ ra các hướng, thì cửa hang C9 xuất lộ trên ngọn đồi có độ cao 530m so mới mặt biển, hang cao nhất quần thể.
Điều thú vị là hang này dài vỏn vẹn 200m thông nhau từ hai cửa luôn được ánh sáng trời rọi vào nên dễ tạo ảo giác là lòng hang rất ngắn. Ngoài ra nó còn sở hữu những vách đá đầy vết đá trượt trông khá ấn tượng.
Với hang C6, mới được đoàn chuyên gia Nhật Bản khảo sát vào dịp đầu năm 2015, lại mang vẻ đẹp rất riêng. Đây là một trong những hang hiếm hoi có hố khí tựa như giếng trời do khối khí thoát ra trong quá trình dòng nham thạch tuôn chảy. Nhờ thế, trong động được ánh nắng chiếu vào nên cảnh quan luôn lung linh, huyền ảo.
Đu dây để xuống hang C7 – Ảnh: Trần Thế Dũng
Trong hang động đẹp nhất Đông Nam Á
Trong ba ngày lặn lội vùng Krông Nô, tâm điểm mà chúng tôi muốn khám phá là hang C7 (dài 1.066,5m), được công nhận dài và đẹp nhất khu vực Đông Nam Á, rất hiếm người đặt chân tới vì xa xôi hiểm trở.
Dù được anh Nguyễn Thanh Tùng – hướng dẫn viên đoàn hỗn hợp Việt – Nhật khảo sát hang động núi lửa vùng Krông Nô – Đắk Nông cảnh báo về những hiểm nguy có thể gặp phải trong hành trình dài hơn 6km trong rừng đặc dụng Dray Sap trước khi đến C7, nhưng chuyến đi rừng không hẳn chỉ mang đến sự mệt nhọc và căng thẳng, ngược lại cực kỳ thú vị.
Bởi đây là dịp đắm mình vào thiên nhiên trong lành yên ả, lắng nghe âm thanh chim hót thánh thót trên cây và thi thoảng bắt gặp những chú sóc chuyền cành thoắt ẩn thoắt hiện như trêu chọc các vị khách đang hướng ống kính chờ bấm máy.
Ngay từ giây phút đầu tiên tiếp cận hang C7, tôi rất ấn tượng bởi hình dáng cửa hang tựa như miệng núi lửa: tròn trịa, bằng phẳng không như những hang khác thường thẳng đứng theo vách đá, cách hơn 10m về phía dưới là mảng xanh của cây môn rừng và dương xỉ phủ kín.
Nhưng nghiệt ngã là nếu muốn xuống hang, chúng tôi buộc phải dùng thang dây loại nhỏ, ngoài ra không còn cách thứ hai.
Cuối cùng chúng tôi cũng lần lượt đạp lên thang dây và trải qua những giây phút căng thẳng tận cùng lúc đu mình đong đưa trong không trung do vụng về, thao tác sai kỹ thuật trước khi giẫm chân lên nền hang.
Trước đó, khi tình cờ gặp chúng tôi ở hang C3 (chiều dài 594,4m, xếp thứ hai về độ dài khu vực Đông Nam Á), nhiều người trong đoàn khách đến từ TP.HCM cứ trầm trồ về vẻ đẹp hiếm có của cảnh quan dung nham trong hang.
Chị Thương (Q.10, TP.HCM) – một du khách trong đoàn – cho biết từng nghe nhiều về núi lửa, dung nham nhưng đây là lần đầu tiên trong đời chị tận mắt chiêm ngưỡng một hang động kỳ vĩ ngay trên đất nước mình, đồng thời bày tỏ hi vọng địa điểm này sớm được đưa vào tour du lịch Tây nguyên.
Tuy nhiên, so với hang C3, hang C7 mà chúng tôi được khám phá còn đẹp và kỳ vĩ hơn nhiều.
Cách Chư B’luk – nơi nó tuôn trào – khoảng 5.030m theo đường chim bay và nằm ở độ cao 428m so với mặt nước biển, hang C7 hội tụ những nét đặc sắc hiếm thấy: từ hình dáng cửa hang, chiều dài, sự rộng lớn của lòng hang, những tầng địa mạo, họa tiết, nhũ đá, dấu vết cuộn xoắn phun ngược trên tường, trên nền hang hệt bề mặt dòng chảy dung nham cho đến hố khí, thảm thực vật thảy đều đẹp đến ngỡ ngàng.
TRẦN THẾ DŨNG
(Hiệp hội Lữ hành VN)
TTO

Bình luận (0)