Công ty Uchida Yoko giới thiệu sản phẩm giáo dục mới nhất tại một cuộc triển lãm giáo dục số vừa diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản – Ảnh: AFP |
Nhật Bản bắt đầu đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục để nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy.
Nhật Bản sắp thử nghiệm sách giáo khoa điện tử trong trường tiểu học, qua đó tăng cường vai trò của công nghệ thông tin trong lớp học đối với thế hệ học sinh trong kỷ nguyên số.
Nuôi dưỡng nguồn nhân lực
Theo dự án “Trường học tương lai” do Bộ Truyền thông Nhật Bản thực hiện, 10 trường tiểu học sẽ được cung cấp máy tính cho toàn bộ học sinh dưới 12 tuổi, đồng thời lắp đặt loại bảng đen điện tử tương tác trong các lớp. Các thiết bị này được nối mạng, sử dụng phần mềm cho phép học sinh học cách viết những chữ phức tạp trên màn hình hoặc trao đổi ý kiến trên một tờ giấy trắng ảo theo thời gian thật dưới sự giám sát của giáo viên thông qua máy tính.
Dự án thí điểm nói trên dự kiến sẽ bắt đầu sớm nhất là vào đầu tháng 10 với ngân sách khoảng 1 tỉ yen (gần 231 tỉ đồng) cho năm tài chính hiện nay. Bộ Truyền thông có kế hoạch tăng số lượng trường tham gia chương trình lên 50 vào năm tiếp theo, đồng thời đề nghị tăng ngân sách cho chương trình lên 2,87 tỉ yen.
Dự án trên được triển khai trong bối cảnh Nhật Bản đứng sau Hàn Quốc, Singapore, Anh và một số nước khác trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục dù đang là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghệ cao. Việc nuôi dưỡng nguồn nhân lực được xem là rất quan trọng đối với đất nước nghèo tài nguyên và đang có dân số sụt giảm này. Theo hãng tin AFP, một chiến lược tăng trưởng mới của Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu cung cấp cho mỗi học sinh một máy tính vào năm 2020.
Công cụ giáo dục bổ sung
Các nhà xuất bản sách giáo khoa, phần mềm và những tài liệu giáo dục khác đã giới thiệu những sản phẩm mới nhất cho lớp học của tương lai tại một cuộc triển lãm giáo dục số vừa diễn ra ở Tokyo. Toshiba đã phát triển một máy tính bảng – gọi là CM1 – được thiết kế cho mục đích giáo dục. Máy tính này sẽ cùng với các thiết bị khác của Fujitsu được sử dụng trong dự án “Trường học tương lai”.
Một trong những phần mềm sử dụng trong dự án là “CollaboNote” của Công ty JR Shikoku Communication Ware. Chương trình này cho phép học sinh chia sẻ một tờ giấy trắng ảo để viết, đọc và chia sẻ thông tin trong thời gian thật. Nó có thể liên kết các học sinh không chỉ trong lớp học mà còn ở những nơi xa, cho phép họ thảo luận và học một môn học chung.
Trong khi đó, vào đầu năm tới, Công ty Tokyo Shoseki sẽ tung ra một sách giáo khoa số, trong đó cung cấp đoạn video về những hình ảnh khó nhìn thấy ngoài đời, như cảnh côn trùng rời khỏi kén.
Các nhà sản xuất sách giáo khoa đồng ý rằng phiên bản sách giáo khoa số không thay thế sách giáo khoa truyền thống mà nên được dùng như là công cụ giáo dục bổ sung. Ông Masami Matsumura, một quan chức tiếp thị phần mềm của Nhà Xuất bản Mitsumura Tosho, nhận định: “Vẫn còn có nhiều hoài nghi rằng liệu công cụ giáo dục số sẽ thay thế tất cả tài liệu giấy trong tương lai. Bản thân chúng tôi cũng in ấn tài liệu nếu nhận thấy thông tin đóng vai trò quan trọng”.
Về phần mình, nhiều học sinh có vẻ thích ý tưởng sử dụng sách giáo khoa số. Kumie Kodani, một học sinh 13 tuổi, cho biết: “Việc lúc nào cũng nghe giáo viên giảng bài khiến em cảm thấy buồn ngủ. Sách giáo khoa số có vẻ vui hơn. Em hy vọng chúng sẽ được đưa vào sử dụng tại lớp học của mình”.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)