Hai diễn viên – học sinh – đang diễn trích đoạn tác phẩm Chiếc lá cuối cùng |
Lớp học là sàn diễn mà ở đó học sinh là diễn viên, các tác phẩm văn học trở thành những kịch bản đầy hứng thú. Đó là cách học văn mới mẻ vượt ra ngoài rào cản của sự khô khan, miễn cưỡng được thầy và trò Trường THCS Nguyễn Du (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) áp dụng thành công từ nhiều năm qua.
Trong giờ học văn, thầy và trò đã biến những tiết học lý thuyết tẻ nhạt thành những giờ học sôi động. Biến cách học đọc – chép thụ động thành sự tự nguyện của học sinh. Từ đó, học sinh vô cùng thích thú và say mê với cách học này.
Giôn-xi và Xiu bước ra lớp học
Tiết học văn chiều 14-10, không khí lớp 8E hào hứng hẳn lên. Tấm chăn màu hồng được các em học sinh mang lên lớp làm công cụ diễn xuất. Cô Vũ Thị Thanh Hương, giáo viên dạy văn, bước vào lớp cùng đạo diễn Nhân Sơn và diễn viên Hoàng Anh. Với đoạn trích xúc động nhất trong tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O.Henry, cô – trò lớp 8E đã xây dựng thành kịch bản để cùng nhau diễn xuất. “Việc mời đạo diễn và diễn viên về trường là để các em học sinh có thể diễn xuất một cách nhập tâm, không e ngại. Khi xem đạo diễn và diễn viên diễn mẫu, các em sẽ tự mình hóa thân, trải nghiệm và tự mình hiểu sâu về nhân vật cũng như những dụng ý của tác giả. Và đó chính là điều mà phương pháp học này nhắm tới”, cô Thanh Hương chia sẻ.
Cuộc đối thoại giữa hai nhân vật Xiu và Giôn-xi không còn đóng khung trên trang sách mà đã bước ra ngoài, lên bục giảng với muôn hình vạn trạng sắc thái tâm trạng và thanh âm khác nhau của từng học sinh. Các em nữ diễn vừa nồng nàn nhưng không kém sự dịu dàng. Các em nam diễn một cách dứt khoát nhưng đầy lãng mạn. Tất cả vẫn toát lên được sự xúc động của các em khi tiếp cận với nhân vật.
Ngô Hoàng Thắng và Nguyễn Ngọc Tú là hai “phiên bản nam” của Giôn-xi và Xiu chia sẻ rằng rất thích thú với những tiết học như thế này. “Chúng em tiếp cận tác phẩm và nhân vật một cách sinh động và nhanh hơn. Khi được hóa thân vào nhân vật, chúng em sẽ nhớ rất lâu diễn biến tâm trạng của nhân vật cũng như nội dung của tác phẩm mà không hề phải học vẹt. Mỗi giờ học văn không còn “đáng sợ” như trước nữa”, Hoàng Thắng nói.
Trong khi đó, cô Thanh Hương trải lòng rằng, ban đầu thực hiện phương pháp này, các em học sinh rất lúng túng vì còn nhút nhát, ngại ngùng diễn xuất trước bè bạn. “Lúc đầu các em làm vỡ hết kịch bản của đoạn trích. Nhưng dần dần, các em đã mạnh dạn hơn thể hiện tâm trạng hóa thân vào nhân vật dưới góc nhìn của chính mình. Có em đã nhập tâm thực sự khi vừa diễn vừa khóc, đó là những giọt nước mắt xúc động thực sự, sẽ mang lại những bài học để đời cho chính các em”.
Môn học “4 trong 1”
Để đổi mới giáo dục một cách toàn diện, vấn đề tiên quyết là người giáo viên phải chủ động, đi đầu, dám nghĩ, dám làm. |
Với phương pháp dạy văn mới này, cả âm nhạc, mỹ thuật và giáo dục công dân cũng sẽ được lồng ghép, tích hợp vào trong cùng một tiết học. “Như vậy là quá được cho 45 phút học. Các em sẽ được vẽ tranh về tác phẩm, được dạy về giá trị sống, ý nghĩa nhân văn cao đẹp, được học về âm nhạc khi lồng ghép vào kịch bản”, cô Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Theo cô Thu Hương, phương pháp học văn mới này giúp học sinh chủ động trong cách tiếp cận tác giả, tác phẩm và nhân vật, rèn luyện khả năng đọc hiểu, quan sát đời sống từ đó rút ra những bài học cho cuộc sống. “Giáo viên không cần phải nói nhiều, không cần phải hô hào gì mà chính học sinh phải tự quan sát, tự nói, tự hiểu”, cô Thu Hương nhận định.
Cũng theo cô Thu Hương, để đổi mới giáo dục một cách toàn diện, vấn đề tiên quyết là người giáo viên phải chủ động, đi đầu, dám nghĩ, dám làm. “Ngay cả những giờ sinh hoạt lớp khô khan chỉ có thưởng và phạt, giáo viên cũng có thể lồng ghép vào đó những bài giảng ý nghĩa như các bài học về giáo dục, cách sử dụng facebook thông minh để cô trò trải lòng, gần gũi hơn, tránh tình trạng bạo lực học đường xảy ra”.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Mỗi tác phẩm đều có ý nghĩa giáo dục lớn Ấp ủ ý tưởng dạy văn sáng tạo này từ rất lâu, cô Vũ Thị Thanh Hương đã đưa vào dạy thử nghiệm tại trường từ năm 2010, đến nay đã dần phát triển ra toàn trường. Theo cô Thanh Hương, mỗi tác phẩm có ý nghĩa giáo dục, nhân văn lớn chỉ được chọn ra một đoạn trích xuất sắc nhất để dàn dựng kịch bản. Điều này đồng nghĩa với việc các em phải đọc kỹ toàn bộ tác phẩm. Cả cô trò sẽ cùng dàn dựng. Học sinh sẽ được phân công làm việc theo nhóm cả trên lớp và về nhà. Sau mỗi tiết học, các em sẽ được kiểm tra miệng nhanh về ý nghĩa tác phẩm. |
Bình luận (0)