Cơn lũ dữ tháng 10-2010 gần như xóa sạch Tân Hóa – xã nghèo khó nhất vùng biên giới của huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Ấy vậy mà chỉ sau sáu năm, nơi đây đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng thế giới bởi chính những hang động mà ngày trước từng cưu mang họ khi tránh lũ.
Cơn lũ dữ tháng 10-2010 gần như xóa sạch Tân Hóa – xã nghèo khó nhất vùng biên giới của huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Ấy vậy mà chỉ sau sáu năm, nơi đây đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng thế giới bởi chính những hang động mà ngày trước từng cưu mang họ khi tránh lũ.
Người dân vùng Tân Hóa đã trú ẩn trong các hang động suốt hơn bảy ngày để tránh lũ vào năm 2010 – Ảnh: Hữu Khá |
Du khách đến đông thì chắc chắn dân mình sẽ được hưởng lợi, cuộc sống khi đó sẽ đổi thay, văn minh hơn |
Ông CAO THANH BÌNH |
Lúc ấy tưởng chừng không còn người dân nào sống sót. Cả xã Tân Hóa nước ngập cao đến độ không tìm thấy một nóc nhà. Sáng hôm sau, đoàn cán bộ tỉnh Quảng Bình và huyện Minh Hóa vượt lũ vào Tân Hóa tìm dân.
Khi ngồi trên chiếc canô tiến thẳng vào rốn lũ, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình lúc đó cứ nhấp nhổm “hi vọng có phép mầu”. Nhưng đoàn cán bộ càng lo lắng hơn khi chiếc canô tiến sát vào các ngôi làng ở Tân Hóa mà vẫn không thấy một bóng người.
Mọi người bắt đầu nghĩ về điềm dữ đã xảy ra.
Sống sót nhờ hang đá
Bất ngờ có tiếng la lớn “cứu, cứu” vọng ra. Mọi con mắt đoàn cứu hộ đổ dồn về hang đá trong niềm vui sướng vì biết rằng dân mình vẫn còn sống. Việc tiếp tế thức ăn, nước uống cho dân được triển khai ngay lập tức.
Để trấn an, chính quyền cử một cán bộ “nằm” lại trong hang đá động viên người dân. Cán bộ y tế được khẩn cấp điều vào để phát thuốc, điều trị các bệnh về đường ruột vì đã nhiều ngày qua dân trong hang đá chỉ ăn đồ sống, uống nước lã.
Cuộc “chiến đấu” với giặc lũ suốt bảy ngày ròng rã. Ở thị trấn Quy Đạt mỗi ngày có hàng chục chuyến xe liên tục đưa hàng đến để chuyển vào cứu dân trong cơn đói khát. Hai trung đoàn bộ đội được lệnh sẵn sàng chờ nước rút dựng lại nhà cửa cho dân.
Tưởng chừng sau bảy ngày bồng bế nhau lam lũ trở về từ hang đá, dân Tân Hóa không thể gượng nổi. Vậy mà họ đã cầm tay nhau đứng dậy trong sự sẻ chia của đồng bào cả nước. Người dân ngày đêm cặm cụi giúp nhau dựng lại mái nhà.
Nhớ lại ngày cùng dân chống chọi với cơn lũ, ông Cao Thanh Bình, bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa, nói: “Đó là những ngày tháng kinh hoàng nhất mà dân Tân Hóa nếm trải. Hơn 600 hộ dân chúng tôi trở về từ hang đá với hai bàn tay trắng.
Lúc này nhà cửa không còn, tài sản mất hết, ruộng vườn bị bồi lấp sạch. Giữa lúc khó khăn ấy, đồng bào cả nước đã chìa tay ra giúp dân chúng tôi. Nghĩa cử vật chất ân tình ấy như những hạt giống gieo xuống cánh đồng để Tân Hóa có được ngày hôm nay”.
Du khách quốc tế ồ ạt đổ về Tân Hóa – Ảnh: Đăng Nam |
Rốn… du lịch hang động
Là người con của Tân Hóa, Nguyễn Châu Á (giám đốc Công ty du lịch Oxalis Adventure Tours, đơn vị khai thác du lịch hang động đầu tiên ở Phong Nha – Kẻ Bàng) nhớ lại: “Đang ở Sài Gòn thì nghe tin quê nhà chìm trong lũ, ngay lập tức tôi tìm về quê. Khi ấy cả Phong Nha chìm trong 4m nước, riêng tại Tân Hóa khi ấy hơn 12m. Nước ngập trắng xóa và Tân Hóa lúc ấy nhìn chẳng khác gì vịnh Hạ Long”.
Giữa năm 2011, Châu Á quay lại quê với một kế hoạch mạo hiểm: đưa khách đi du lịch hang động. Ngay sau khi những vị khách đầu tiên do Á dẫn đi rời khỏi hang Tú Làn ở Tân Hóa, anh lập tức bắt tay vào chiến dịch xây dựng, quảng bá Tân Hóa ra thế giới bằng hình ảnh tour hang động mạo hiểm Tú Làn.
Năm 2014, Châu Á đưa 2.000 khách vào Tú Làn, năm 2015 là 3.000 khách. Từ khi tour du lịch mạo hiểm này được thiết lập, đã có hơn 50 thanh niên địa phương được nhận vào làm trong công ty, riêng địa phương mỗi năm cũng thu được cả tỉ đồng từ việc bán vé cho du khách vào hang. Tân Hóa có nhà hàng và hệ thống nhà nghỉ dạng homestay do chính người dân khai thác, làm chủ.
Trở lại Tân Hóa sau năm năm, chúng tôi không thể hình dung nổi sự đổi thay nhanh chóng đến như vậy. Từ một vùng quê hẻo lánh, xa xôi, lầy lội, nghèo khó, nay đường về Tân Hóa được bêtông thẳng tắp. Ẩn đằng sau cánh đồng ngô, đậu xanh ngút ngàn là cuộc sống người dân no đủ. Du khách khắp nơi đổ về tấp nập.
Ông Cao Thịnh, một người dân, nói trong tự hào: “Dân Tân Hóa đỡ nghèo rồi. Ngày nào khách du lịch cũng đến nên mọi người vui lắm. Dân tôi có thu nhập kha khá nhờ bán được nông sản cho du khách. Ngoài ra, người dân còn đóng thuyền độc mộc cho du khách thuê chèo dọc sông Rào Nan với giá cả triệu đồng mỗi chiếc”.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, một du khách đến từ TP.HCM, tâm sự: “Tân Hóa kéo chúng tôi đến vì có hệ thống hang động rất tuyệt vời. Những cánh đồng ngô bạt ngàn, xanh ngút nằm hai bên triền sông ở Tân Hóa khó nơi nào có được.
Chúng tôi đến đây ba ngày để cùng sống, ăn ở với người dân và cảm thấy rất yên tâm. Tôi tin chắc rằng ngày càng có nhiều du khách, nhất là khách quốc tế, chọn Tân Hóa làm điểm đến để du lịch hang động”.
Ông Cao Thanh Bình, bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa, tâm sự: “Quả thật là người dân Tân Hóa ai cũng lấy làm vui khi đoàn làm phim King Kong 2 chọn nơi đây làm trường quay. Sau sự kiện này mọi người biết đến Tân Hóa nhiều hơn.
Hiện Tân Hóa đang “có trong tay” hang Tú Làn – một điểm du lịch kỳ thú, hấp dẫn du khách. Ngày nào cũng có du khách đến đây, nhất là các đoàn khách quốc tế thích du lịch mạo hiểm. Du khách đến ngày càng nhiều đã tạo ra công ăn việc làm cho con em trong xã.
Một số gia đình đã sửa sang nhà cửa để đón du khách kiểu homestay, có thu nhập khá. Các sản phẩm nông sản người dân làm ra cũng tiêu thụ tốt vì du khách rất ưa thích mua về làm quà”.
Ông Bình hi vọng người dân xã mình sẽ đổi đời nhờ thiên nhiên tươi đẹp và hệ thống hang động độc đáo. Xã đang xin kinh phí để làm ba cầu vượt qua ba ngầm cạn để thuận tiện cho việc đi lại của du khách. Và du khách đến đông thì chắc chắn dân mình sẽ được hưởng lợi, cuộc sống khi đó sẽ đổi thay, văn minh hơn.
Nhà chống lũ
Sau cơn lũ lịch sử năm 2010, người dân Tân Hóa bàn kế làm nhà “sống chung với lũ”. Đưa chúng tôi ra xem căn nhà nổi, ông Cao Thanh Bình tâm sự: “Đó không phải là sản phẩm sáng tạo gì ghê gớm nhưng đã trở thành tấm “bùa hộ mệnh” cho mỗi gia đình khi lũ đến”. Theo ông Bình, đến nay đã có hơn 300 hộ dân trong tổng số hơn 600 hộ dân của xã có nhà “nước nổi thì nhà nổi”. Mỗi nhà chống lũ sau khi làm xong, chưa tính công cán tốn khoảng 20 triệu đồng. Căn nhà gỗ chống lũ ở Tân Hóa không gắn chặt trên đất mà được gắn trên những thùng phuy rỗng đặt bên cạnh những ngôi nhà chính để sinh sống hằng ngày. Trên các thùng phuy là một bộ khung nhà bằng gỗ nhẹ diện tích 20m2 với hệ thống cửa, mái lợp, vách che, có thể chứa được 10 người. Lúc không lũ đó là nơi chứa nông cụ, kho thóc của người dân… Còn khi nước lũ về, căn nhà tự nổi lên theo con nước và được giữ chặt bởi hai trụ lớn giống như mỏ neo neo vào đất. Nhờ ngôi nhà chống lũ này mà người dân yên tâm làm ăn, không còn nơm nớp lo lũ như trước kia nữa. |
Bình luận (0)