Hôm nay, 29/10, Intel khánh thành nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất thế giới tại TPHCM với tổng đầu tư 1 tỉ USD.
Đại diện chính phủ và các chuyên gia bày tỏ sự kỳ vọng đây sẽ là cột mốc tạo bước đột phá về phát triển ngành công nghệ cao tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Lễ khánh thành nhà máy của Intel là một sự kiện quan trọng hỗ trợ mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế dựa vào phát triển những ngành có hàm lượng công nghệ cao. Intel đang giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin mạnh mẽ đi đôi với thúc đẩy tiến trình đổi mới của đất nước”.
Đây là nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của Intel, với tổng diện tích 46.000 mét vuông. Nhà máy đã đi vào sản xuất từ giữa năm nay, bắt đầu từ hoạt động sản xuất chipset cho máy tính xách tay và các thiết bị di động cho những khách hàng của Intel trên toàn thế giới. Khi đi vào sản xuất ổn định, nhà máy dự kiến sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm trong ngành sản xuất công nghệ cao, và đóng góp lớn vào doanh thu xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Paul Otellini, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Intel, khách hàng của Intel trên toàn cầu sẽ sử dụng chính các sản phẩm được lắp ráp từ nhà máy này để tạo ra những công nghệ có thể làm thay đổi thế giới. Nhà máy tại Việt Nam giúp tăng gấp đôi khả năng lắp ráp và kiểm định chip của Intel trên toàn cầu.
Trò chuyện với Dân trí tại buổi lễ, ông Thân Trọng Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Intel Việt Nam, người đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa dự án vào Việt Nam từ những ngày đầu, chia sẻ: “Chứng kiến nhà máy Intel tại Việt Nam khai trương hôm nay, tôi cảm thấy như đứa con tinh thần do mình nuôi dưỡng đã trưởng thành. Là người thai nghén ý tưởng ban đầu, bản thân tôi cũng khá choáng ngợp khi nhìn thấy nhà máy thực sự hình thành với quy mô hiện nay. Đây là nhà máy lớn nhất của Intel trên thế giới, và thành công này là nhờ nỗ lực rất lớn của toàn bộ tập thể CBCNV Intel tại Việt Nam cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền cũng như ngành công nghiệp trong nước".
Ông Phúc cũng giới thiệu và bày tỏ sự biết ơn với ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ, là một trong những người chủ chốt của phía Việt Nam đã góp phần hỗ trợ ban đầu cho sự hình thành của dự án. Ông Chu Hảo chia sẻ với Dân trí: "Chính phủ Việt Nam đã chủ trương xây dựng 2 khu công nghệ cao (CNC), mỗi khu có 3 thành phần chính: Công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu phát triển, và đào tạo nguồn nhân lực. Từng làm Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc, tôi nhận thấy Khu CNC TPHCM mặc dù thành lập sau nhưng đã đi trước một bước và thành công trên cả 3 lĩnh vực nói trên, đặc biệt là về công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là, trong cuộc gặp hôm qua với lãnh đạo Ban Quản lý Khu CNC TPHCM, tôi đã lưu ý họ cần “ép” bằng được Intel làm nhiệm vụ chuyển giao công nghệ và tổ chức nghiên cứu triển khai tại chỗ như họ đã hứa khi đàm phán và ký kết với ta”.
Trả lời băn khoăn về thực tế phần lớn các dự án CNC có tầm cỡ và tác động lớn cho tới nay do phía nước ngoài khởi xướng, ông Hảo nói: “Để ngành khoa học công nghệ trong nước có được những dự án mang tầm cỡ thì trước hết cần nguồn vốn lớn, thứ hai là phải có nguồn nhân lực tinh nhuệ. Cả hai cái đó chúng ta đều còn đang thiếu, nhưng với đà phát triển này chúng ta sẽ cố gắng từng bước xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh gắn với các trường đại học, các khu công nghiệp. Trên cơ sở đó sẽ hình thành các doanh nghiệp để triển khai những kết quả nghiên cứu thành những sản phẩm”.
Ông Hảo cũng cho rằng, Việt Nam cần giảm dần các dự án, các ngành sản xuất dẫn tới xuất khẩu nguyên liệu thô và lắp ráp, gia công, để đưa lực lượng khoa học công nghệ của ta vào các lĩnh vực sản xuất nhằm tăng giá trị gia tăng.
Tuấn Anh (Theo Dantri)
Bình luận (0)