Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho HS-SV

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Đẩy mạnh bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Tại đây, đại diện nhiều tỉnh thành đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo và HS-SV.

Người dân khám bệnh tại Bệnh viện huyện Củ Chi, TP.HCM

Năm 2020: 90% người dân tham gia BHYT

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tỷ lệ người tham gia BHYT ngày càng tăng, năm 2014 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 71,6%, năm 2015 đạt 76,52%. Đặc biệt, đầu năm 2016 có trên 70,8 triệu người tham gia BHYT, tăng khoảng 830 ngàn người, tương đương với 1,2% so với năm 2015.

TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương lớn có số lượng người tham gia BHYT đông nhất. Trong đó TP.HCM, tính đến cuối tháng 4-2016, tỷ lệ người tham gia BHYT đạt hơn 5,83 triệu người, tăng 137 ngàn người và tăng 1,76% so với năm 2015. Tại Hà Nội, năm 2015 có hơn 77% người tham gia, năm 2016 Hà Nội phấn đấu đạt hơn 78% người tham gia BHYT.

Có được kết quả này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, ngành y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện cải tiến quy trình khám, chữa bệnh nên số lượng người khám chữa bệnh bằng BHYT tăng hàng năm. Năm 2014, cả nước có hơn 136 triệu lượt khám, chữa bệnh bằng BHYT, năm 2015 có khoảng 150 triệu lượt người. Chi phí khám, chữa bệnh bằng BHYT cũng tăng từ hơn 41 ngàn tỷ đồng lên 50 ngàn tỷ đồng năm 2015”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, BHYT chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi huy động toàn dân tham gia. Từ những kết quả trên, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước sẽ có hơn 90% người tham gia BHYT, mục tiêu này cao hơn mục tiêu Quốc hội đã đề ra 10%.

Hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHYT cho HS-SV

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cho biết: “Độ bao phủ BHYT ở TP.HCM vẫn chưa đạt so với chỉ tiêu Chính phủ giao (chỉ tiêu được giao năm 2016 là 76,4%, chênh lệch 1,03%). Trong các nhóm đối tượng tham gia BHYT ít phải kể đến HS-SV, hiện còn khoảng 150 ngàn HS-SV chưa tham gia. Bên cạnh đó TP vẫn còn khoảng 2.200 người dân không có quan hệ lao động chưa tham gia BHYT”.

Về nguyên nhân, bà Thu cho rằng, phần lớn người dân chưa nhận thức đầy đủ về chính sách BHYT cũng như trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, xã hội. Kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định nên không đóng một lúc cho tất cả các thành viên trong gia đình. Một bộ phận khác thì không có nhu cầu, khi có nhu cầu thì đi khám chữa bệnh dịch vụ…

Theo đó, TP.HCM đã đưa ra 5 giải pháp để huy động toàn dân tham gia BHYT. Trong đó, riêng nhóm đối tượng HS-SV, bà Thu khẳng định: “Trước đây, TP hỗ trợ  30% cho HS-SV mua BHYT theo quy định của Nhà nước nhưng kể từ tháng 6 năm nay ngân sách TP sẽ hỗ trợ thêm 10% nữa. Sở GD-ĐT TP chỉ đạo các trường đảm bảo 100% HS-SV tham gia BHYT”.

Đối với cả nước, để nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT lên 90% vào năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ Y tế phải tập trung nâng cao chất lượng cơ sở khám, chữa bệnh, tiếp tục ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, giải quyết tình trạng phân biệt giữa người khám bệnh bằng BHYT với dịch vụ; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ động mở rộng đại lý bán BHYT để phục vụ người dân tốt hơn.

Bài, ảnh: D.Bình

Bình luận (0)