Theo Sở TN-MT TP.HCM, có khoảng 7.000-7.500 tấn rác/ngày được tập kết tại các điểm hẹn, trạm trung chuyển trước khi chuyển về nơi xử lý. Hầu hết các điểm này đều đặt ở lòng đường, gần khu dân cư nhưng không có hệ thống xử lý khép kín, là nguyên nhân gây ô nhiễm mà nhiều năm nay người dân thành phố phải gánh chịu.
Trạm trung chuyển rác của hai phường 27 và 28 (Q.Bình Thạnh) gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Ảnh: T.Anh |
Toàn thành phố có 31 trạm trung chuyển nhưng có tới 13 trạm hoạt động tạm – không có mái che, không có hệ thống xử lý mùi… Ngoài ra, thành phố có khoảng 50 điểm tập kết rác, chưa kể các điểm tự phát do hộ lấy rác dân lập thực hiện. Đa số các điểm này nằm trong khu dân cư, lượng rác tồn đọng với số lượng lớn.
Chỉ tay về phía trung chuyển rác trước chung cư Thanh Đa, ông Nguyễn Ngô Thắng (ngụ lô B chung cư) lắc đầu ngao ngán: “Không thể tưởng tượng cái mùi hôi gắt đến cỡ nào. Đêm nào cũng vậy, công nhân, xe rác vừa di chuyển là có người đến bỏ rác, tới sáng lại xuất hiện một núi rác mới. Cả đoạn đường này không bao giờ khô ráo dù nắng to bởi lượng nước rỉ rác rất lớn. Chuột từ điểm trung chuyển chạy thành đàn hàng chục con tấn công vào nhà, cắn phá đồ đạc, gây ô nhiễm và là nguyên nhân gây nhiều bệnh khiến người dân rất hoang mang”.
Ghi nhận tại đây vào giờ cao điểm, ngoài núi rác đổ tràn ra mặt đường còn có nước rỉ rác đen ngòm đọng lại kéo dài một đoạn đường, bốc mùi nồng nặc. Anh Trần Tấn Quốc (công nhân Công ty Môi trường đô thị TP.HCM) bức xúc: “Ngoài số rác mà lực lượng dân lập thu gom từ hai phường 27 và 28, mỗi đêm chúng tôi phải thu gom thêm lượng rác khá lớn mà người dân vứt bừa bãi. Hầu hết là rác thải từ các chợ, công trình như xà bần, ván tạp, chất thải nguy hại”.
Cũng theo anh Quốc, chính quyền hai phường này cam kết sẽ cho người cắm chốt bắt quả tang người dân bỏ rác nhưng không thực hiện. Số rác này không được vận chuyển đi liền đã phân hủy, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Tại Q.3, điểm trung chuyển rác đặt trên đường Hoàng Sa (đoạn gần cầu Trần Quang Diệu), nhiều năm nay người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị di dời. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Tâm (Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.3) thì không biết phải dời đi đâu cho phù hợp hơn.
Tại huyện Nhà Bè, các điểm hẹn lấy rác dọc đường trong những ngày mưa, triều cường trở thành nỗi ám ảnh của người dân. “Triều cường lên phải ngồi canh rác chảy vào sân, vào nhà bằng cách dùng cây đẩy ra”, bà Lê Thị Thu (đường Nguyễn Bình, ấp 3, xã Nhơn Đức) bức xúc.
Trạm trung chuyển tại P.An Khánh (Q.2) cũng trong tình trạng ô nhiễm bủa vây. Trời mưa, nước rỉ rác theo nước mưa chảy lênh láng, hàng chục hộ dân ở đây phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm.
Điểm tập kết rác trên đường Lê Đức Thọ (P.7, Q.Gò Vấp) mỗi ngày không chỉ tải một lượng lớn rác của địa bàn quận này mà còn “gánh” rác của địa phương lân cận.
Theo Sở TN-MT TP.HCM, các trạm trung chuyển gây ô nhiễm nặng tồn tại từ rất lâu, đang trong tình trạng xuống cấp, không có hệ thống xử lý nước rỉ rác, biện pháp xử lý hiện tại là phun xịt nên chỉ tạm thời giải quyết mùi hôi. Nhiều trạm cũng đã cải tạo nhưng không đạt yêu cầu, chỉ hoạt động tạm. Cụ thể là các trạm Tôn Thất Thuyết (Q.4), Trần Bình Trọng (Q.5), Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận), Bình Trưng Tây (Q.2)…
“Nguyên nhân gây ô nhiễm tại các điểm tập kết, điểm hẹn và trạm trung chuyển rác một phần còn do phương tiện thu gom lạc hậu, cũ kỹ khiến rác rơi vãi trên đường”, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN-MT TP.HCM) thừa nhận.
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Anh, từ nay đến năm 2020, Sở TN-MT TP sẽ đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom, vận chuyển rác. Bên cạnh đó, sẽ lập quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển, dự kiến hoàn thành vào năm 2018.
Trần Anh
Bình luận (0)