Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lưu ban – biện pháp cần thiết để học sinh tiến bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Vì chạy theo thành tích, không GV nào muốn HS lưu ban (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: D.Bình

Tháng 5 là thời điểm các trường chuẩn bị tổng kết năm học. Trong rất nhiều hoạt động giáo dục (GD) cần tổng kết, có lẽ vấn đề học sinh (HS) lưu ban thu hút sự quan tâm lẫn lo lắng của không ít giáo viên (GV) chủ nhiệm và lãnh đạo nhà trường.

Đã từ lâu, trong nhà trường tồn tại một chỉ tiêu thi đua “không có HS lưu ban” mà có lẽ không GV chủ nhiệm nào không biết. Vì có HS lưu ban đồng nghĩa với GV chủ nhiệm bị cắt thi đua, cả năm phấn đấu xem như bằng không; chưa kể còn bị phê bình vì ảnh hưởng đến thi đua của lớp, trường, của quận…

Bởi vậy, mới đây trên diễn đàn của một tờ báo chuyên về GD, nhiều GV thổ lộ khi trong lớp có HS có nguy cơ bị lưu ban thì hầu hết đều tìm cách “giải cứu”. Họ giải thích phải làm vậy trước hết là để cứu mình, sau là cứu nhà trường không bị ảnh hưởng thứ hạng thi đua. Mặt khác, họ làm vậy cũng vì “thương” trò khỏi bị trễ một năm học và tránh sự phiền trách của phụ huynh cho rằng GV không quan tâm, thiếu trách nhiệm với con em họ. Đây chính là nguyên nhân của hiện tượng HS “ngồi nhầm lớp” xảy ra ngày càng nhiều trong thời gian qua.

Thật ra, HS lưu ban là vấn đề mà bất kỳ nền GD nào cũng gặp phải, cho dù đó là nền GD tiên tiến. Vấn đề là cần hiểu rõ bản chất của vấn đề lưu ban để có cách ứng xử phù hợp. Thoạt tiên, khi đối diện với một HS lưu ban thường GV có tâm lý lo ngại, cho rằng lưu ban sẽ khiến HS cảm thấy mặc cảm thua bạn bè, dẫn đến nản chí, mất động lực học tập.

Quan niệm này là đúng hay sai? Mới đây, tại Pháp, các nhà tâm lý GD đã làm một khảo sát trên một nhóm HS lưu ban. Khảo sát cho thấy, HS lưu ban thường rơi vào một trong các hoàn cảnh sau: bị khủng hoảng tinh thần do gia đình xáo trộn như cha mẹ ly dị, bệnh nặng, mất người thân, bị tai nạn…; tiếp thu kiến thức khó khăn do mất căn bản từ các lớp dưới; chưa chuẩn bị thái độ học tập đúng đắn. Đồng thời cũng chỉ ra rằng, việc lưu ban có tác động đến tâm lý HS, nhất là ở tiểu học và giảm dần ở các lớp cao hơn. Điều này được lý giải vì với HS lớn tuổi hơn thì việc tách rời khỏi bạn cũ là không quá khó khăn và hơn nữa các em đã phần nào định hướng được con đường học tập của mình. Quan trọng hơn, khảo sát còn cho thấy sau lưu ban, thái độ học tập của đa số HS trở nên tích cực hơn trước. Đây là “quãng nghỉ” cần thiết để các em tự nhìn lại mình, để ổn định về tâm lý, là cơ hội để khám phá mình lần nữa. Ngoài ra, lưu ban giúp HS tiếp thu kiến thức thuận lợi hơn trước. Nhiều em sau này trở thành HS xuất sắc. 

Khảo sát đi đến kết luận việc cho HS lưu ban là giải pháp tốt nhất để các em hoàn thiện mình hơn. Trên cơ sở các nghiên cứu có tính khoa học đó, các nhà GD nhấn mạnh việc ở lại lớp của HS không phải là một kỷ luật mà nhằm bảo đảm tối đa cho quyền lợi học tập của HS.

Tất nhiên, một lớp học không có HS lưu ban là điều GV nào cũng mong muốn. Để làm tốt việc này, mỗi cơ sở GD và mỗi GV đều có cách dạy riêng của mình đối với HS yếu kém. Phụ đạo là giải pháp được lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối đa trong việc nâng cao trình độ em HS yếu bằng các bạn bình thường thì không phải nhà trường hay GV nào cũng làm tốt. Theo các nhà GD, ngoài nỗ lực và tâm huyết, nhà trường còn phải xem xét cải tiến công tác phụ đạo một cách khoa học. Tại Phần Lan, đất nước có nền GD tiên tiến, GV được phép thay đổi giáo trình và phương pháp lên lớp một cách linh hoạt sao cho phù hợp với trình độ tiếp thu của mỗi HS. Còn tại Hà Lan, nhà trường luôn nghiên cứu để đưa ra nhiều mức kiến thức và cắt cử một vài GV nhằm hỗ trợ việc học cho HS lưu ban một cách tốt nhất.

Xem vậy, có lẽ nhà trường cần phải thay đổi cách nhìn về HS lưu ban. Không nên xem việc HS ở lại lớp là một nỗi buồn của trò hay là một yếu kém của lớp, của trường để rồi tìm cách “giải cứu” trò, vì chỉ mang lại thiệt thòi thêm cho các em mà thôi. Hãy xem đây là một biện pháp sư phạm cần thiết để giúp HS tiến bộ. Mặt khác, các cấp quản lý cũng cần coi lại chỉ tiêu thi đua “không có HS lưu ban” và hãy mạnh dạn cắt bỏ vì nó hoàn toàn xa lạ với người làm công tác sư phạm.

Từ Nguyên Thạch

Bình luận (0)