Dù có những ý kiến trái chiều nhưng nhìn chung, không mấy ai ủng hộ hay đồng tình với cách hành xử của nhóm phụ huynh ở Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức (tỉnh Long An), bởi việc bắt cô giáo quỳ xin lỗi là điều khó có thể chấp nhận ở xã hội ta, một xã hội vốn có truyền thống yêu kính thầy cô giáo.
Ngôi trường cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ gối xin lỗi. Ảnh: I.T |
Không chỉ vậy, thái độ và cách hành xử của phụ huynh là mầm mống dẫn đến việc hư hỏng của con cái họ, tức là có nguy cơ hình thành một thành viên chậm tiến trong xã hội. Xét ở góc độ pháp luật, hành vi bắt giáo viên phải quỳ gối xin lỗi trước nhiều người (trong đó có cả phụ huynh và giáo viên khác) có dấu hiệu cấu thành tội làm nhục người khác và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, xét về tình và lý, thật khó chấp nhận hành vi đó! Sâu xa hơn, hành vi này ít nhiều phản ánh một thái độ của xã hội đối với nhà giáo, đối với giáo dục. Dù thái độ này có thể chưa phải là xu hướng chủ yếu nhưng cũng là một biểu hiện cụ thể của một xu hướng đáng tiếc và không hẳn là nhỏ, đó là sự mất niềm tin của xã hội đối với nhà giáo, đối với giáo dục trong bối cảnh chưa tạo được sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.
Trước hết, nói về niềm tin của một bộ phận người trong xã hội đối với nhà giáo, đối với nền giáo dục. Có thể nói là có sự lung lay hay giảm sút niềm tin. Dường như có sự không hài lòng của nhiều người đối với giáo dục nói chung và giáo viên nói riêng. Một số người có điều kiện thì muốn chuyển ngay cho con học các trường quốc tế, hoặc “chạy” để cho con học ở các trường danh tiếng dù trái tuyến, với tâm trạng không yên tâm cả về chất lượng giáo dục lẫn môi trường giáo dục. Cùng với đó là sự sụt giảm lòng yêu quý, kính trọng của nhiều người đối với nhà giáo, thậm chí có người có thái độ “quăng cho ít tiền” để mua lấy sự dễ dãi của giáo viên cho con em mình. Khi phụ huynh đã “rẻ rúng” người thầy thì không thể trách học sinh cũng sẽ có thái độ tương tự. Từ đó, môi trường học đường bị vẩn đục.
Còn sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường lại có biểu hiện lỏng lẻo đáng ngại. Hình như “mạnh ai nấy làm”, nhà trường có vẻ thiên về lý thuyết suông còn gia đình lại làm theo ý thích của mình; biểu hiện cụ thể là trẻ nào cũng được dạy là đi đường phải chấp hành Luật Giao thông, phải giữ gìn vệ sinh môi trường… nhưng cha mẹ thì thường vi phạm luật đi đường, hay “xúi” con bỏ rác ở chỗ nào thấy tiện, kể cả mở cửa ô tô quăng rác xuống đường… Khi có vấn đề gì cần trao đổi thì phụ huynh hay lu loa rằng đã gửi cho nhà trường cả ngày rồi, trường phải có trách nhiệm, khi phạt vạ con cái thì nhiều phụ huynh “sửng cồ” lên.
Điều này cũng có lý do của nó. Triết lý giáo dục, các hoạch định vĩ mô của ngành giáo dục còn chưa được cải tiến cho phù hợp với tình hình mới, khiến giáo dục có biểu hiện không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Chương trình, môi trường giáo dục gần đây có những biểu hiện xuống cấp đáng ngại, như hiện tượng mua bán/đổi chác điểm, ứng xử của những người làm công tác sư phạm, sự chăm lo cho nhà giáo không được tốt, có hiện tượng thương mại hóa trong học đường… Một số giáo viên không được tuyển chọn kỹ lưỡng từ đầu vào lẫn quá trình đào tạo nên năng lực và đạo đức đều có những lỗ hổng. Những điều đó tác động đến thái độ của công chúng đối với ngành giáo dục và nhà giáo.
Các hiện tượng này tuy có thể gây ra bức xúc nhưng xét trên bình diện toàn xã hội, nó chưa phải là phổ biến; cơ bản giáo dục vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, của xã hội, vẫn góp phần đào tạo ra các thế hệ người Việt Nam có năng lực, phẩm chất phù hợp với yêu cầu phát triển. Một số biểu hiện chưa lành mạnh trong xã hội còn có nhiều nguyên nhân khác chứ không thể đổ hết cho giáo dục được. Thí dụ: đòi hỏi nhà giáo phải biết tôn trọng và yêu quý học sinh thì bản thân phụ huynh phải tôn trọng và có thái độ ứng xử đúng mực với giáo viên.
Do đó, dẫu có những lý do này khác, nhưng việc làm nhục nhà giáo là điều không thể chấp nhận được. Nhà giáo không bao giờ có thể chỉ được xem là người dạy chữ thuần túy mà đó phải là người truyền đạt kiến thức, văn hóa, niềm tin, lý tưởng, lẽ sống của một xã hội, một dân tộc, một đất nước, một nền văn hóa, từ đời này sang đời khác. Nếu bản thân nhà giáo chưa làm được điều đó thì đó là lỗi của những người làm công tác vĩ mô của nền giáo dục và những người làm công tác vĩ mô đó phải có trách nhiệm bảo vệ nhà giáo, có trách nhiệm tạo sự tôn trọng của toàn xã hội đối với nhà giáo. Không phải là ngẫu nhiên mà xã hội phong kiến đặt nhà giáo đứng thứ hai trong nấc thang xã hội: quân – sư – phụ.
Trở lại câu chuyện ở trên, có thể nhiều người sẽ cho rằng, nếu họ là giáo viên kia thì sẽ nhất quyết không chịu quỳ gối, vì sự quỳ gối đó không chỉ tự hạ nhục bản thân mà còn tác động hạ nhục cả các giáo viên khác, cả ngành giáo dục. Bản thân nhà giáo có thể mắc sai sót, khuyết điểm, có thể bị xử lý, nhưng cần thiết có một dũng khí để bảo vệ thanh danh, sự tự trọng và chỗ đứng của mình, không để ai có thể chà đạp.
Vì vậy, đề nghị xử lý nghiêm những người làm nhục giáo viên kia, ít nhất phải bằng biện pháp hành chính và xin lỗi công khai. Ngành giáo dục nhân dịp này phải động viên toàn bộ giáo viên và cán bộ trong ngành phải thể hiện tư cách và phẩm chất của mình, xứng đáng với những danh hiệu cao quý mà xã hội đã dành tặng, như “kỹ sư tâm hồn”, “người chuẩn bị lớp người thay thế”…
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)