Trong đề thi THPT quốc gia môn văn, câu hỏi viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) dù chỉ chiếm số điểm là 2 trong tổng số điểm bài thi môn văn nhưng nó quan trọng vì đánh giá kỹ năng vận dụng, kỹ năng viết và tư duy xã hội của thí sinh. Để bài làm hiệu quả, thí sinh cần chú ý 3 điểm sau.
Thí sinh xem lại đề môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia các năm trước. Ảnh: D.B |
Có những dạng yêu cầu nào của đề?
Câu hỏi viết đoạn văn ngắn có sự tích hợp với văn bản đọc hiểu ở các dạng sau đây: Dạng 1, trình bày suy nghĩ về ý nghĩa/tác dụng… của vấn đề trọng tâm được nói đến trong văn bản. Như “sự thấu cảm” (đề thi năm 2017), “sự trải nghiệm” (đề thi minh họa năm 2018). Có khi đề không nêu ra vấn đề trọng tâm là gì, mà để thí sinh tự rút ra từ văn bản/câu chuyện. Cách hỏi này khó hơn, các em phải xác định đúng vấn đề thì mới nghị luận đúng hướng. Hoặc, đề trích một vài câu văn/câu thơ tiêu biểu trong văn bản, từ đó yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến/về câu thơ đó (như đề minh họa năm 2017). Dạng 2, bày tỏ ý kiến có sự lựa chọn. Cách hỏi này gần giống với câu hỏi vận dụng thấp (câu 4) ở phần đọc hiểu văn bản, nhưng yêu cầu cao hơn. Cách hỏi thường là: “Anh/chị có đồng ý với ý kiến “…” (trích từ văn bản) không? Hãy bày tỏ ý kiến trong một đoạn văn (khoảng 200 chữ)”. Dạng 3, nghị luận về một ý kiến/câu nói/một chủ đề ngoài văn bản đọc hiểu nhưng có liên quan đến nội dung văn bản đọc hiểu. Dạng đề này thường ít cho hơn.
Hướng triển khai như thế nào?
Đối với dạng 1, thí sinh nên triển khai thành các bước: Giới thiệu trực tiếp vấn đề (chẳng hạn: “Sự trải nghiệm có ý nghĩa/tác dụng/vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của mỗi con người”); giải thích; phân tích về ý nghĩa, tác dụng (cần cụ thể, rõ ràng, vì đây là yêu cầu trọng tâm); bàn bạc, mở rộng (giải pháp, phê phán…); bài học nhận thức cho bản thân.Với dạng 2, thí sinh nên triển khai theo cách sau: Nêu thẳng ý kiến đồng tình hay không (nên vừa đồng tình vừa không, vì vấn đề yêu cầu thường có hai mặt đúng/sai); giải thích vì sao đồng tình, vì sao không (phần này là trọng tâm nên phải cụ thể, rành mạch, nên kèm theo dẫn chứng để thuyết phục); bàn bạc, mở rộng vấn đề các mặt tốt/xấu, phải/trái, đúng/sai (như giải pháp nhân rộng mặt tốt/hạn chế mặt xấu; phê phán, bác bỏ…); bài học nhận thức, phương hướng hành động của bản thân. Cách triển khai dạng 3 là: Giới thiệu trực tiếp vấn đề có sự liên hệ với văn bản đọc hiểu; giải thích; bàn bạc (chủ yếu là phân tích và bình luận, đây là bước trọng tâm); mở rộng, liên hệ, phê phán; bài học nhận thức cho bản thân.
Trong các bước trên, thí sinh cần chú ý triển khai kỹ bước trọng tâm, vì đây là cơ sở chính để cho điểm theo yêu cầu đáp án. Phần giới thiệu/mở đoạn được xem như là câu chủ đề, vì vậy cả đoạn văn nên viết theo thao tác diễn dịch hoặc tổng – phân – hợp.
Lỗi nào nên tránh?
Không viết quá dài hoặc quá ngắn (khoảng một trang rưỡi giấy thi là vừa); không viết thành bài, mà phải viết một đoạn. Chỉ nên dành khoảng tối đa 30 phút, để còn giờ cho phần khác. Trong câu hỏi thường có hai vế: vế đầu là lời dẫn gắn với văn bản đọc hiểu, vế sau là yêu cầu của đề. Cho nên cần triển khai kỹ ở vế sau để làm nổi bật vấn đề trọng tâm. Không sa đà vào bình giải văn bản đọc hiểu để tránh bài làm luẩn quẩn, vòng vo. Đây là lỗi khá phổ biến của thí sinh, khi giám khảo đọc bài làm ít thấy nhiều điểm mới so với văn bản đọc hiểu. Nhiều khi đề cho là văn bản văn học, nhưng cần nhớ đây là nghị luận xã hội để tránh lạc vào thao tác phân tích văn học.
Chú ý yêu cầu của đáp án chấm để tránh mất điểm. Theo đó, nửa số điểm (1 điểm) của câu này có các mặt (mỗi yêu cầu chiếm 0,25 điểm): đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp…); xác định đúng vấn đề cần nghị luận (không lạc đề); chính tả, dùng từ, đặt câu; và sáng tạo (có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, dẫn chứng xã hội hay, phù hợp).
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)